LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Thị trường mua bán, cho thuê vỏ container luôn sôi động bởi hoạt động XNK hàng hóa của nền kinh tế đang không ngừng tăng nhanh trong những năm qua.
Tuy nhiên, do ngành cơ khí còn non yếu nên nguồn container trong nước rất ít ỏi, DN phải “vất vả” để tìm nguồn hàng.
Thị trường đang lên
Với một nền kinh tế đang phát triển và có số lượng lớn hàng hóa cần giao thương với các thị trường trên thế giới, các DN trong và ngoài nước luôn có nhu cầu dùng tới container. Hơn nữa, theo Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, số lượng DN logistics Việt Nam đang có khoảng 4.000 DN, với tốc độ tăng trưởng lên tới 20%/năm nên nhu cầu mở rộng kinh doanh, tăng cường cơ sở vật chất chắc chắn cũng sẽ tăng mạnh. Không ít DN logistics Việt Nam đã chia sẻ về nhu cầu mở rộng, phát triển mảng vận tải nội địa, bởi việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tăng mạnh, nên nhu cầu thuê vận tải nội địa sẽ tăng cao, nhưng các DN nước ngoài thường lựa chọn những DN uy tín, có cơ sở hạ tầng vận tải tốt… nên bắt buộc các DN logistics Việt Nam phải đầu tư để thu hút khách hàng.
Chính từ những nguyên nhân trên, loại hình kinh doanh mua, bán, cho thuê container tuy ra đời muộn nhưng lại đang phát triển rất sôi động. Thậm chí, việc mua bán, cho thuê container không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển, trang thiết bị của DN mà còn đáp ứng nhu cầu tân trang làm nhà tạm, nhà di động…
Về giá thành mua bán container, theo tìm hiểu, hiện giá để mua một container cũ vào khoảng 2.500-3.000 USD/container. Nhưng nếu khách hàng mua về tân trang lại, khai thác trong dịch vụ vận chuyển hay sinh hoạt thì đều có thể nhanh quay vòng vốn. Theo đại diện Công ty TNHH Liên Sơn Container, giá container tăng giảm theo mùa, nhất là vào những mùa cao điểm vận chuyển, giao nhận hàng hóa.
Đặc biệt, theo chia sẻ của đại diện Công ty TNHH Pacific container, giá container đang có xu hướng tăng cao do nhiều yếu tố tác động. Thứ nhất là do Hanjin – một trong 10 hãng tàu lớn nhất thế giới phá sản khiến hàng nghìn container bị kẹt lại tại các cảng nên container trên toàn thế giới đột ngột bị giảm xuống về số lượng, kéo theo mức phí cho thuê hay mua lại đều tăng cao. Nguyên nhân thứ hai là do thị trường sản xuất và cung ứng container lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang có điều chỉnh về phương thức sản xuất, khi yêu cầu các nhà máy sản xuất container phải thay đổi loại sơn nhằm đảm bảo môi trường, trong khi loại sơn này đắt hơn loại sơn cũ nhiều lần.
“Mặc dù giá container tại Trung Quốc đang bị tăng cao nhưng các DN có thể tận dụng cơ hội này để NK container từ quốc gia khác, bán lại cho phía Trung Quốc hưởng chênh lệch, khoản này có thể lên tới vài trăm USD/container”, đại diện Pacific chia sẻ.
Khó tìm nguồn
Mặc dù có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nhưng vấn đề của các DN là sự khó khăn để tìm kiếm được nguồn hàng. Thông thường hiện nay, các DN có 3 nguồn container chính là mua lại container cũ sau đó tân trang lại, hoặc NK container mới, hoặc là liên kết với một đại lý nước ngoài chuyên cung cấp container để làm trung gian kết nối giữa khách hàng với đại lý đó.
Là một DN trung gian như vậy, đại diện Công ty Pacific cho hay, do nguồn hàng container trong nước cũng như NK khó khăn nên DN chỉ làm đại diện cho DN đại lý nước ngoài, làm đầu mối liên kết với khách hàng. Khi khách hàng trong nước có nhu cầu muốn thuê, mua container thì DN sẽ chuyển lại thông tin cho đại lý và làm thủ tục để chuyển container đến khách hàng. Những container này đều thuộc sở hữu của đại lý tại nước ngoài.
Tuy đây là một cách làm khá “an toàn”, không mất nhiều vốn và có được nhiều container đạt chất lượng quốc tế, nhưng lợi nhuận mang về cho DN Việt Nam sẽ không thể cao bằng việc sở hữu container và cung cấp cho khách hàng. Nhưng vấn đề là nguồn container hiện nay không phải dễ tìm. Một DN cho biết, trước đây nhà máy đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Vinashin có sản xuất container nhưng chất lượng còn hạn chế nên các DN vẫn phải NK container cũ là chính.
Cũng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN Logistics Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể đóng được container nhưng để đạt được chất lượng quốc tế thì số lượng còn rất ít. Tuy nhiên, kỹ thuật đóng container khá đơn giản, chỉ yêu cầu về chất lượng thép, sơn phủ… nên các DN công nghiệp Việt Nam có thể tận dụng và có nhiều khả năng cũng như tiềm lực để đầu tư phát triển.
Nhìn chung, dịch vụ cung ứng container đã trở nên sôi động hơn trong một vài năm gần đây. Theo các chuyên gia, đây có thể là ngành giàu tiềm năng, thậm chí còn phát triển thuận lợi hơn ngành công nghiệp đóng tàu đang khá trì trệ. Vì thế, nếu biết cách phát triển và có chiến lược dài hạn, lĩnh vực sản xuất cũng như cung ứng container sẽ có điều kiện phát triển, nhất là khi hàng hóa giao thương của Việt Nam ngày càng tăng về số lượng.
Sưu tầm