LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Với việc mở thêm đoàn tàu container và rút ngắn thời gian vận chuyển, dự kiến năm 2017 hàng hóa liên vận quốc tế có thể tăng từ 386 nghìn tấn năm 2016 lên hơn 800 nghìn tấn.
Bù đắp sản lượng trong nước
Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc bắt đầu khai trương đoàn tàu container Trung Á xuất phát từ Côn Minh đi Hà Khẩu, đến Sơn Yêu (Trung Quốc) sang Lào Cai, Yên Viên và cuối cùng là cảng Hải Phòng. Dù tổng quãng đường lên đến 862km, nhưng thời gian di chuyển chỉ 4 ngày, bao gồm cả thời gian làm thủ tục hải quan, giao nhận tại 2 ga biên giới.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Tăng Văn Dũng, Phó trưởng ban Hợp tác quốc tế - Khoa học công nghệ (Tổng công ty Đường sắt VN) cho biết, chuyến tàu này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong vận tải hàng hóa liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc. Đặc biệt, tới đây tàu sẽ rút bớt thời gian chờ đợi, đẩy nhanh các khâu làm thủ tục để rút ngắn xuống còn 2 ngày, mở ra cơ hội lớn thu hút hàng, nâng cao sản lượng vận chuyển hai nước.
"Sang năm 2018, khi chính sách thuế biên mậu theo đường tiểu ngạch (đi đường bộ qua cửa khẩu) và theo đường chính ngạch (bằng đường sắt) không quá chênh lệch như hiện nay, doanh nghiệp sẽ hướng tới phương thức vận tải an toàn, đi xa, khối lượng lớn, giá cước rẻ như đường sắt”.
“Đây là thời cơ để đường sắt Việt Nam bù đắp lại sản lượng trong nước đang sụt giảm thời gian qua”, ông Dũng nói và cho biết, 3 năm gần đây, hàng liên vận quốc tế Việt - Trung bằng đường sắt tăng vọt. Chỉ tính riêng tuyến Hà Nội - Côn Minh (tuyến phía Tây qua cửa khẩu Lào Cai), nếu năm 2014 tổng lượng hàng xuất - nhập mới đạt khoảng 14 nghìn tấn; năm 2015 tăng gấp hàng chục lần lên mức 366 nghìn tấn. Năm 2016 là 386 nghìn tấn. Với việc mở thêm đoàn tàu container và rút ngắn thời gian vận chuyển, dự kiến 2017 có thể tăng gấp đôi lên hơn 800 nghìn tấn.
Ông Nguyễn Chính Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, năm 2016 tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt của đơn vị qua hai cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng đạt 692 nghìn tấn. Trong đó, khối lượng hàng xuất 160 nghìn tấn và hàng nhập 532 nghìn tấn. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, con số này đã đạt 443 nghìn tấn, tăng 118% so với cùng kỳ.
Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội Đỗ Văn Hoan cho rằng, trong khi sản lượng vận tải đường sắt trong nước giảm sút do cạnh tranh gay gắt với đường bộ, đường biển, hàng liên vận quốc tế tăng mở ra cơ hội lớn nâng thị phần cho đường sắt. “Việc nâng sản lượng hàng liên vận hoàn toàn khả thi do nhu cầu hàng xuất - nhập giữa Việt - Trung cũng như quá cảnh đi nước thứ ba lớn. Nhất là nhu cầu hàng nhập từ Trung Quốc về quá cảnh cảng Hải Phòng do rút ngắn được rất nhiều quãng đường, thời gian chuyên chở so với đi trong nội địa Trung Quốc”, ông Hoan lý giải và cho biết thêm, hàng vận chuyển bằng đường sắt theo quy định là hàng chính ngạch, không phụ thuộc vào chính sách đường biên của Trung Quốc nên có thể duy trì sản lượng ổn định lâu dài.
Tiềm năng còn rất lớn
Ông Đỗ Văn Hoan cũng cho biết, hiện có nhiều mặt hàng đang vận chuyển liên vận giữa Việt Nam - Trung Quốc, trong đó hàng nhập có sản lượng lớn như: than cốc về Xuân Giao phục vụ cho Nhà máy thép Việt Trung khoảng 200-250 nghìn tấn/năm; phân bón khoảng 250-300 nghìn tấn/năm; hàng xuất có hóa chất khoảng 250-300 nghìn tấn/năm. Hiện công ty đang tích cực tìm nguồn hàng và đẩy mạnh vận tải container.
“Chúng tôi rất quan tâm mô hình vận chuyển liên vận quốc tế vì đây là hình thức vận chuyển tiên tiến, giải phóng hàng nhanh, chống đọng dỡ”, ông Hoan nói và cho biết, hiện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức chạy đôi tàu container sản lượng khoảng 1.000 tấn/đôi tàu. Đây là luồng hàng mới khai thác được từ Quảng Châu về Yên Viên qua cửa khẩu Đồng Đăng với giãn cách khoảng 2 ngày/đôi. Trong khi đó, với kinh nghiệm nhiều năm vận chuyển container bằng đường sắt, ngay từ năm 2016, Công ty Ratraco đã ký kết hợp tác với doanh nghiệp vận chuyển container đường sắt Trung Quốc nhằm khai thác thị trường tiềm năng này. “Vận chuyển container sẽ góp phần giảm giá thành vận tải và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Vì thế, việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc phát triển loại hình vận chuyển bằng container trên đường sắt là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách hàng”, ông Nam nói.
Về tiềm năng phát triển thời gian tới, theo ông Nam vẫn còn rất lớn vì Hiệp định Thương mại tự do EAEU - Việt Nam có hiệu lực vào tháng 10/2016 mở ra cơ hội cho kinh doanh vận tải, trong đó có đường sắt khi hàng hóa lưu thông giữa các nước tăng cao. Đặc biệt, giao lưu thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện Trung Quốc đang đầu tư xây dựng nhiều khu kinh tế mở tại hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam tiếp giáp với Việt Nam. Các mặt hàng như thủy hải sản, hoa quả… từ Việt Nam và các nước ASEAN đưa vào thị trường Trung Quốc đều cần vận chuyển bằng container, bao gồm container đông lạnh.
Ông Tăng Văn Dũng cho biết, theo hải quan tại ga Đồng Đăng, mỗi ngày Trung Quốc nhập khoảng 100 container đông lạnh vận chuyển hoa quả bằng đường bộ. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào chính sách đường biên nên khi hàng từ miền Nam ra bị ùn ứ tại cửa khẩu. Nếu đi bằng đường sắt, hoàn toàn có thể tập kết container tại ga Đồng Đăng và tổ chức chạy tàu với hơn 10 xe container sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Khi ấy sẽ giải phóng hàng nhanh.
Nguồn: Báo giao thông