LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Lần đầu tiên vận tải đường sắt ngăn được đà sụt giảm không phanh và bắt đầu tăng trưởng dù vẫn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các lĩnh vực vận tải khác.
Vậy điều gì khiến đường sắt làm được điều mà suốt hơn hai năm dòng qua áp dụng đủ biện pháp, kể cả tái cơ cấu vẫn không đạt được?
“Đao” giá và cải thiện dịch vụ
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, cả sản lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách đều tăng trưởng, dù tỷ lệ không quá cao. Đây là thông tin không thể vui hơn nếu biết rằng đã hơn hai năm 2015 và 2016, sản lượng vận tải đường sắt liên tục sụt giảm không phanh. Cụ thể, vận tải của đường sắt trong 6 tháng đạt hơn 3.719 triệu TKm (tấn Km), bằng 108,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải hơn 2.268 tỷ đồng, bằng 108,4%.
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết: “Những tháng gần đây, lượng khách mới tăng dần và kết thúc tháng 6 đạt mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, mang lại tín hiệu tích cực. Nhiều ga tàu đã sôi động trở lại, bước đầu mang lại niềm tin cho khách hàng”.
Thông tin cụ thể hơn, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, vận tải hàng hóa của đơn vị vẫn chưa đạt kết quả tốt nhưng hành khách thời gian qua tăng khá ấn tượng với mức hơn 10% so với năm 2016. Đặc biệt, doanh thu tăng rất cao, nhất là trong tháng 6 vừa qua tăng hơn 50%.
“Chúng tôi phải áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, trong đó ưu tiên tăng cường tàu chạy các chặng ngắn như: Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Nha Trang. Tháng 5 vừa qua, đưa vào khai thác tuyến mới Nha Trang - Huế và đã đạt 70% hệ số khai thác”, ông Tuấn nói và cho biết, đặc biệt, lần đầu tiên đường sắt xây dưng chính sách giá vé linh hoạt, khuyến mãi, giảm giá vé tập thể, công ty du lịch, kết hợp nâng chất lượng vệ sinh toa xe, tương tác với khách hàng nhiều hơn. “Chính điều này đã hút lượng khách lớn quay trở lại với đường sắt”, ông Tuấn lý giải.
Ông Đỗ Văn Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Nội chia sẻ, một số tuyến trước đây sụt giảm mạnh giờ đã tăng trở lại, trong đó phải kể tới tuyến Hà Nội - Vinh; một số luồng vận tải hàng hóa như xi măng tăng 191% với cùng kỳ, vận chuyển liên vận quốc tế cũng tăng cao và mỗi tuần tăng thêm 1 đôi tàu chạy.
Tuy vậy, lý do quan trọng nhất giúp vận tải đường sắt “hút” khách, “hút” hàng thời gian qua chính là việc sắp xếp lại quản trị để giảm giá cước, giá vé. Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, giá cước hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm đã giảm 12,8-15% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vé hành khách còn giảm cao hơn, tới mức 15-29% tùy theo mác tàu, cự ly và thời điểm chạy tàu. Hành khách mua vé sớm với hành trình hơn 1.000km còn có thể được giảm tới 20-50%. Cùng với giảm vé, đường sắt còn mở thêm nhiều dịch vụ tiện ích để phục vụ tốt hơn hành khách như đón tại nhà, giao nhận hàng tại nhà...
“Tổng công ty đã chủ động “đao” (down, hạ - PV) 15% giá chi phí điều hành vận tải, công ty thành viên giảm 15% nữa để giảm giá cước với khách hàng truyền thống có khối lượng vận chuyển lớn, ổn định và luồng hàng mới”, ông Vũ Tá Tùng nói.
Thí điểm phục vụ suất ăn hàng không trên tàu
Theo Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh, đơn vị này đang quyết tâm đổi mới quản trị doanh nghiệp, gắn liền trách nhiệm người đứng đầu để nâng chất lượng dịch vụ vận tải, thái độ phục vụ của từng bộ phận, cá nhân. Tới đây, các ga tàu không còn được hưởng kinh phí tính trên số đoàn tàu qua ga mà theo số hành khách đi qua.
Đồng thời, tổng công ty sẽ thí điểm đưa các đoàn tàu mới được sơn màu sắc giống máy bay vào khai thác, cung cấp suất ăn như suất ăn hàng không trên tàu khách tuyến Sài Gòn - Nha Trang.
Không thay đổi, khó giữ chân khách hàng
Vận tải đường sắt tăng trở lại sau thời gian dài sụt giảm là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, nếu không tiếp tục có sự đổi mới, thay đổi sẽ rất khó giữ nhịp và giữ chân khách hàng. Bởi, cả chất lượng và giá thành vận tải của đường sắt dù đã cải thiện vẫn còn nhiều bất cập. Hơn nữa, việc cạnh tranh với các lĩnh vực vận tải khác như đường bộ, hàng không và đường thủy vẫn rất khốc liệt.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Tiến Sơn, phụ trách vận tải một doanh nghiệp cảng cạn tại Hà Nội cho rằng, đường sắt đã chủ động tiếp thị, chào hàng và có ưu đãi về giá cước, nhưng cần “bao” được cả hành trình sau ga. “Đường sắt đã bớt đi tư tưởng độc quyền, chủ động tìm khách hàng. Nhưng hạn chế lớn nhất là đường sắt mới chỉ ưu đãi hành trình từ ga đến ga, chưa có liên kết để đảm nhận từ ga tàu đến bãi hàng, nhà kho hoặc ngược lại. Có thế mới cạnh tranh được với vận tải ô tô chạy đường dài”, ông Sơn nhận xét.
Ông Vũ Tá Tùng cho biết, để giữ chân và thu hút thêm khách hàng, tổng công ty đã chủ động giảm chi phí điều hành, quản trị nội bộ để giảm giá cước, giá vé. Vì vậy, tới đây các đơn vị vận tải phải nỗ lực hơn nhằm tìm kiếm nguồn hàng, chủ hàng và ứng xử theo thị trường, nhất là vận tải 2 đầu, “từ kho đến kho” và đảm bảo tiêu chí đúng giờ; tiếp tục triển khai chính sách giá vé linh hoạt, cạnh tranh với lĩnh vực khác.
“Tổng công ty quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản trị hàng hóa, điều hành vận tải để giảm giá cước và nâng chất lượng dịch vụ vận tải. Đồng thời, tái cơ cấu tác nghiệp hai đầu liên quan đến vận chuyển logistics theo chủ trương tận dụng tối đa nguồn lực xã hội hóa, hợp tác với doanh nghiệp bên ngoài”, ông Tùng thông tin và cho biết, trong tháng 7 sẽ trình Bộ GTVT phương án hợp tác với doanh nghiệp có tiềm lực vận tải mạnh.
Nguồn: Báo giao thông