LIÊN HỆ MUA BÁN XE

0966.809.696

hien thi
Trung Quốc và chiêu ‘đánh vào thương mại’ láng giềng
09 May
Trung Quốc và chiêu ‘đánh vào thương mại’ láng giềng

Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments

Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, là thị trường 1,3 tỷ dân, chiêu bài “đánh vào ngoại thương” thường xuyên được Trung Quốc sử dụng trong ứng xử với các quốc gia láng giềng.

Đầu tháng 3/2017, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc trở thành nạn nhân tiếp theo của chiêu bài “đánh vào kinh tế” mà Trung Quốc thường xuyên sử dụng.

Sau khi tập đoàn này đồng ý giao lại sân golf ở vùng Đông Nam Seongju cho chính phủ phát triển hệ thống phòng vệ tên lửa THAAD mà Bắc Kinh cho là mối đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc, 79 trong số 99 cửa hàng của Lotte tại Trung Quốc đã bị buộc đóng cửa.

Yonhap dẫn lời hãng Lotte cho biết họ có thể mất 66 triệu USD tại Trung Quốc chỉ trong một tháng. Việc phải bỏ thị trường Trung Quốc là nguy cơ có thật của hãng bán lẻ này.
Không chỉ Lotte, rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bị o ép, tẩy chay tại thị trường 1,3 tỷ dân sau quyết định hợp tác triển khai THAAD của Mỹ và Hàn Quốc.

Từ ngày 8/3, Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty du lịch nước này ngừng cung cấp tour đến Hàn Quốc, bao gồm các dịch vụ máy bay, khách sạn và tour bằng đường biển.

Văn hóa phẩm từ Hàn Quốc như thời trang, mỹ phẩm, đĩa nhạc hay thậm chí là nghệ sĩ Hàn Quốc cũng không tránh khỏi việc bị tẩy chay.

Tờ Diplomat mới đây dẫn lại báo cáo của một chuyên gia nghiên cứu  tại Viện Nghiên cứu kinh tế thuộc Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) cho biết nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra, đòn trả đũa kinh tế này của Trung Quốc có thể khiến Hàn Quốc thiệt hại từ 7,69 đến 14,76 tỷ USD.

Trong đó, riêng khu vực xuất khẩu của Hàn Quốc có thể thiệt hại ở mức từ 4,14 đến 8,27 tỷ USD (chiếm 5 đến 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này).

“Đánh vào kinh tế” để trả đũa việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc không phải là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng đòn trả đũa không tiếng súng này.

Với tiềm lực kinh tế mạnh, là đối tác xuất nhập khẩu chủ lực cũng như là thị trường lớn của nhiều nền kinh tế trong khu vực, trả đũa về kinh tế đã thành thông lệ của Trung Quốc.

Còn nhớ trong sự kiện tranh chấp lãnh hải quanh bãi cạn Scaborough năm 2014 giữa Trung Quốc và Philippines, ngoài những xô xát của lực lượng hải cảnh hai bên, một cuộc chiến khác được những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc khởi xướng mà Philippines cầm chắc phần thua thiệt, đó là cuộc chiến tẩy chay hàng hóa.

Trung Quốc đã lựa chọn mặt hàng dễ gây tổn thương lớn nhất cho kinh tế Philippines là chuối để ‘trả đũa’. Đây là mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines và Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Philippines.

Không chính thức áp lệnh trừng phạt, Trung Quốc chỉ dựng lên hàng rào kiểm dịch khắt khe hơn, khiến chuối của Philipines xuất sang Trung Quốc bị hoãn thủ tục nhập kho.

Đồng cảnh ngộ với ngành chuối, ngành du lịch của Phillipines hứng chịu làn sóng tẩy chay từ khách Trung Quốc, hàng loạt tour du lịch từ Trung Quốc sang các thắng cảnh của quốc gia láng giềng bị hủy bỏ.

Một nạn nhân khác của chiêu bài “đánh vào kinh tế” là Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku (Điếu Ngư).

Năm 2012, Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm, nguyên liệu không thể thiếu của ngành công nghệ cao, sang Nhật.

Trung Quốc với vị thế gần như độc tôn, là quốc gia xuất khẩu 90% thị phần đất hiếm thế giới, đã khiến các công ty công nghệ cao của Nhật rơi vào cảnh lao đao do thiếu nguyên liệu đầu vào.
Không chỉ các doanh nghiệp trên đất Nhật gặp khó, các doanh nghiệp Nhật ở Trung Quốc trở thành mục tiêu của những đối tượng dân tộc chủ nghĩa cực đoan và bị đập phá, hủy hoại tài sản khiến việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ.

Chiêu bài tẩy chay du lịch cũng xảy ra trong lần “đánh vào kinh tế” Nhật năm 2012 khi một lượng lớn khách du lịch Trung Quốc hủy tour sang Nhật.

Cùng với sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc và thị trường rộng lớn, nước này đã sử dụng công cụ kinh tế như một con bài trong các cuộc mặc cả, hoặc nắn gân đối tác. Với những nền kinh tế có mối quan hệ thương mại bất đối xứng với Trung Quốc, đây sẽ là rủi ro rất lớn khi chơi với một đối tác lớn thường sử dụng chiêu nắn gân, trả đũa thương mại như vậy. Nhiều nước đang nỗ lực tìm cửa xuất khẩu hàng ra các thị trường đối tác, thay vì phụ thuộc vào ông lớn Trung Quốc.

Ngô Minh
Zing

Bình luận của bạn