LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Các vụ thâu tóm mà doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại những quốc gia nằm dọc theo tuyến “con đường tơ lụa” mới đang diễn ra mạnh mẽ, cho dù Trung Quốc tìm cách ngăn các dòng vốn chảy khỏi nước này.
Theo dữ liệu của hãng tin Reuters, từ đầu năm đến nay, các vụ thâu tóm mà doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện ở 68 quốc gia nằm dọc “con đường tơ lụa” mới đã đạt trị giá 33 tỷ USD, vượt qua mức 31 tỷ USD của cả năm 2016.
Là sáng kiến do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013, “con đường tơ lụa” mới nhằm tạo sự kết nối trên bộ và trên biển giữa Trung Quốc với Đông Nam Á, Pakistan, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Hồi tháng 5, ông Tập cam kết chi 124 tỷ USD cho sáng kiến có tên gọi chính thức là “Vành đai và Con đường” này.
Trung Quốc luôn tuyên bố con đường tơ lụa mới là cách để tăng cường giao thương giữa các quốc gia và lan tỏa thịnh vượng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ phương Tây vẫn nghi ngờ rằng mục đích chính của Bắc Kinh là mở rộng ảnh hưởng.
Năm ngoái, tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm mạnh do sự tháo chạy của các dòng vốn. Để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ, Trung Quốc từ đầu năm đến nay đã tung các biện pháp ngăn sự thoái vốn, trong đó có siết kiểm soát việc các công ty Trung Quốc thực hiện các vụ mua lại doanh nghiệp ở nước ngoài.
Vì lý do này, hoạt động thâu tóm ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc đã giảm mạnh từ đầu năm đến nay, sau khi lập kỷ lục 220 tỷ USD trong năm 2016.
Tuy nhiên, sự tăng cường giám sát trên không ảnh hưởng đến các vụ mua lại của doanh nghiệp Trung Quốc dọc hành lang con đường tơ lụa. Đó là do các vụ đầu tư này được xem là chiến lược, không chỉ đối với doanh nghiệp thực hiện mà còn đối với cả nền kinh tế Trung Quốc.
“Người ta nghĩ về dài hạn khi đầu tư vào các nước dọc con đường tơ lụa”, luật sư Hilary Lau thuộc công ty luật Herbert Smith Freehills nhận định. “Các vụ thâu tóm này cũng được hậu thuẫn bởi chính sách. Tiền vốn được cấp bởi các ngân hàng Trung Quốc và các quỹ quốc gia”.
Từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc đã có 109 vụ thâu tóm tại các quốc gia dọc con đường tơ lụa, so với 175 vụ của cả năm ngoái và 134 vụ trong năm 2015.
Khi mua lại công ty tại một quốc gia thuộc con đường tơ lụa, doanh nghiệp Trung Quốc luôn được Bắc Kinh tạo điều kiện về thủ tục – theo tiết lộ của giới luật sư và người trong cuộc – vì những thương vụ như thế được xếp vào một nhóm riêng trong các khoản đầu tư ra nước ngoài.
Một nhà ngân hàng cấp cao ở Hồng Kông chuyên về mua bán và sáp nhập (M&A) cho biết, các thỏa thuận đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc thường mất 6 tháng để được cơ quan chức năng nước này thông qua, nhưng các vụ đầu tư ở con đường tơ lụa sẽ chỉ mất 3-4 tháng làm thủ tục.
Thương vụ lớn nhất mà doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện trên tuyến “con đường tơ lụa” từ đầu năm đến nay là vụ một nhóm công ty Trung Quốc mua lại công ty Global Logistics Properties của Singapore với giá 11,6 tỷ USD.
Những thỏa thuận lớn khác bao gồm vụ tập đoàn dầu lửa quốc doanh Trung Quốc CNPC mua lại cổ phần 8% trị giá 1,8 tỷ USD trong một công ty dầu lửa của Abu Dhabi; vụ công ty HNA Group của Trung Quốc mua lại công ty logistics CWT với giá 1 tỷ USD…
Mới đây, Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc tuyên bố vẫn khuyến khích các công ty trong nước tham gia vào các hoạt động trên “con đường tơ lụa”.
Theo luật sư Hilary Lau, các vụ mua lại của doanh nghiệp Trung Quốc dọc “con đường tơ lụa” chủ yếu thuộc lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng.
“Chúng tôi đã chứng kiến nhiều vụ như vậy trong thời gian gần đây ở Indonesia, Malaysia và Myanmar. Toàn bộ hành lang Sri Lanka, Ấn Độ và Bangladesh cũng “nóng” không kém vì đây là hành lang kết nối Đông-Tây”, ông Lau nói.
Nguồn: VnEconomy