LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Hơn 30 năm hoạt động kể từ ngày thành lập, Hội Cảng-Đường thủy-Thềm lục địa Việt Nam (VAPO) đã có nhiều thành tích quan trọng về khoa học công nghệ (KHCN) trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông vận tải thủy...
Đồng hành với những công trình trọng điểm của đất nước
VAPO là hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng công trình cảng biển, cảng sông, luồng tàu hàng hải, luồng tàu thủy nội địa, nhà máy đóng, sửa chữa tàu, các công trình trên đảo và thềm lục địa. VAPO ra đời trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới của đất nước cách đây hơn 30 năm theo Quyết định số 135 ngày 20/5/1987 của Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng Việt Nam.
VAPO được thành lập để tập hợp các nhà khoa học, các tổ chức từ quản lý nhà nước đến các ban quản lý dự án, viện nghiên cứu, trường đại học, tư vấn khảo sát thiết kế, nhà thầu thi công, nhà sản xuất và cung ứng vật liệu trong lĩnh vực cảng - đường thủy, khai thác cảng, khai thác dầu khí. VAPO cũng là thành viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam và thành viên của Tổ chức Cảng - Đường thủy thế giới (PIANC).
Hơn 30 năm qua, những đóng góp của VAPO vào sự phát triển của ngành xây dựng cảng đường thủy rất đáng trân trọng. Hội viên của VAPO tự hào về những gì đã đóng góp cho ngành và tiếp tục phấn đấu xây dựng hội ngày càng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Từ ngày đầu thành lập với một số ít cơ quan và cá nhân do nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Tổng công trình sư Nguyễn Đình Doãn làm chủ tịch, đến nay VAPO không ngừng phát triển với gần 70 hội viên tập thể và trên 100 cá nhân là các nhà khoa học, các nhà chuyên môn có bề dày kinh nghiệm hoạt động trong ngành.
Trong 3 thập kỷ qua, VAPO đã khẳng định vị thế của mình bằng những đóng góp về ứng dụng KHCN mới, tư vấn phản biện và giám định xã hội hiệu quả tại các công trình trọng điểm quốc gia, ngành GTVT, ngành xây dựng và ANQP. Các nhà khoa học của VAPO thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học chuyên ngành về thiết kế, thi công bến cảng (sông, biển) và lấn biển... Đồng thời, lập nhiều luận chứng kinh tế - kỹ thuật tư vấn cho Bộ GTVT, Quốc phòng và nhiều địa phương vùng duyên hải.
Những công trình trọng điểm quốc gia cũng có sự tham gia của VAPO trong việc lập và thẩm tra dự án. Điển hình là Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, Quy hoạch vận tải Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, dự án WB5, WB6, luồng cho tàu có tải trọng lớn vào sông Hậu, quy hoạch và lựa chọn vị trí cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, các cảng trên sông Cái Mép - Thị Vải, các cảng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, cảng khu vực miền Trung...
Phần lớn các công trình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực cảng đường thủy đều do các hội viên của VAPO triển khai từ khâu lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và khai thác. Các công trình sau khi đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, làm thay đổi diện mạo của địa phương, khu vực và cả nước.
Hội nhập và phát triển
Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, các hội viên của VAPO luôn trăn trở và không ngừng nghiên cứu ứng dụng KHCN tiên tiến, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế vào công tác khảo sát thiết kế và thi công trong lĩnh vực hoạt động của mình. Hội đã hợp tác với nhiều tổ chức khoa học kỹ thuật của các nước công nghiệp phát triển như: OCDI, JOPCA, NILIM, SCOPE, NIPPON KOEI, JPC (Nhật Bản), HASKONING, DELF (Hà Lan), Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, DHI (Đan Mạch), đặc biệt là Tổ chức Cảng đường thủy thế giới (PIANC)...
Bên cạnh đó, các chuyên gia của VAPO đã và đang tham gia giảng dạy, hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho sinh viên, luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ thuộc ngành Cảng - Đường thủy; chủ trì thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước, tham gia nghiệm thu các đề tài khoa học cấp Bộ; tổ chức các hội thảo khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế; trên cơ sở các tiêu chuẩn của Anh, Nhật Bản, Nga đã biên soạn hàng chục bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành phù hợp với điều kiện Việt Nam. Các thành viên của hội còn biên soạn hàng chục bộ sách chuyên khảo, giáo trình, tài liệu hướng dẫn chuyên ngành... phục vụ công tác đào tạo, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có chuyên môn cao, đáp ứng với xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Chủ tịch Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam
GS. TSKH Nguyễn Ngọc Huệ
Nguồn: Báo giao thông