LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có trên 700 km đường cao tốc đưa vào khai thác, tạo đột phá thúc đẩy giao thương, giúp các phương tiện tiết kiệm đáng kể thời gian lưu thông, tiết giảm chi phí.
Dự án BOT, nhất là cao tốc càng quản lý chặt, minh bạch càng tăng hiệu quả khai thác và nâng cao chất lượng công trình…
10 đầu mối giám sát
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, để tạo hiệu quả đầu tư các dự án BOT, nhất là các tuyến cao tốc, quy trình đầu tư các dự án BOT được Bộ GTVT quản không khác gì các công trình sử dụng vốn ngân sách. Tất cả các khâu thiết kế, thi công, định mức dự toán, công tác thanh tra, kiểm toán đều được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt, nhà đầu tư chỉ việc thực hiện.
Hiện, có nhiều cơ quan cùng theo dõi, giám sát quá trình thu phí hoàn vốn tại các trạm thu phí BOT gồm: Bộ GTVT, ngân hàng tài trợ vốn, nhà đầu tư và các cơ quan thuế. Ngoài ra, các cơ quan chức năng khác như: Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Công an... thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra giám sát, vì thế không thể có chuyện thất thoát thu phí. Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai thu phí không dừng, công nghệ này không có sự can thiệp của con người nên không thể thất thoát một đồng nào khi xe qua trạm.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), quy trình đầu tư một dự án BOT từ chủ trương đầu tư, quá trình triển khai xây dựng, khai thác vận hành đều được thực hiện chặt chẽ. Trước tiên, dự án BOT phải căn cứ vào quy hoạch kinh tế - xã hội các địa phương có phù hợp với chủ trương đầu tư hay không, có khả năng thu hút nguồn vốn thương mại, huy động được nguồn lực tư nhân và có khả năng cung cấp nguồn lực ổn định. Bên cạnh đó, danh mục đầu tư các dự án phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương, sau đó Bộ GTVT công khai danh mục các dự án để các nhà đầu tư quan tâm, đấu thầu. Khi quyết định chủ trương đầu tư phải có đầy đủ các bộ, ngành tham gia như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, chính quyền địa phương.
Quy trình lựa chọn nhà đầu tư tại các dự án BOT được tiến hành công khai trên cơ sở nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu về tài chính, kinh nghiệm xây dựng kết cấu hạ tầng. Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, tổ công tác liên ngành gồm đại diện các Bộ GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và chính quyền địa phương nơi dự án đi qua tiến hành đàm phán với nhà đầu tư về hợp đồng dự án với các nội dung liên quan đến phương án tài chính, mức thu phí, thời gian hoàn vốn...
Để lựa chọn nhà đầu tư, mỗi dự án BOT thường có từ 15-20 thành viên đại diện cho 10 bộ ngành liên quan và có sự giám sát chặt chẽ của các bên. Quá trình từ cấp phép tới xin ý kiến các Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầy đủ, Bộ GTVT mới chính thức phê duyệt tiến hành dự án. Như vậy, theo ông Huy, mỗi dự án BOT có sự tham gia của khoảng 10 đầu mối bộ, ngành để giám sát sự minh bạch.