LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Theo ông Nguyễn Hoằng, Bộ GTVT phân bổ chi tiết 90% số vốn NSNN được thông báo là 120.700 tỷ đồng theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT (trên tổng số 134.111 tỷ đồng kế hoạch 2016 - 2020 được thông báo).
Nguồn NSNN hạn chế nên mới đáp ứng được khoảng 64% nhu cầu, hiện còn tới 27 dự án chưa được bố trí vốn.
Báo cáo tại hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm của Bộ GTVT, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Hoằng cho biết, 27 dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) đang đối diện với nguy cơ bị dừng, giãn tiến độ do thiếu vốn.
Nguy cơ dừng, giãn 27 dự án
“Theo phương án phân khai này, kế hoạch vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 được bố trí để trả 100% nợ đọng xây dựng cơ bản (1.950 tỷ đồng), hoàn trả khoảng 50% vốn ứng trước kế hoạch (khoảng 9.925 tỷ đồng), còn lại khoảng 108.825 tỷ đồng để bố trí cho các dự án chuyển tiếp đang thực hiện dở dang và cũng chỉ tập trung để bố trí vốn cho các dự án ODA (103.059 tỷ đồng), còn lại 5.766 tỷ đồng bố trí cho các dự án giao thông trong nước”, ông Hoằng nói và cho biết thêm, với các dự án ODA, kế hoạch giai đoạn 2016-2020 dự kiến bố trí cho 33 dự án đã hoàn thành và 21 dự án chuyển tiếp (đã ký hiệp định với các nhà tài trợ).
Tuy nhiên, do nguồn NSNN hạn chế nên mới đáp ứng được khoảng 64% nhu cầu, còn thiếu khoảng 56.000 tỷ đồng. Cụ thể, vốn nước ngoài được bố trí mới chỉ đáp ứng khoảng 67% nhu cầu các dự án đã ký hiệp định và đang triển khai 87.499/129.563 tỷ đồng, còn thiếu 42.064 tỷ đồng. Vốn đối ứng mới đáp ứng khoảng 52,7%, được bố trí 15.560/29.494 tỷ đồng; còn thiếu 13.934 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý trong báo cáo của ông Hoằng là việc có tới 27 dự án sử dụng vốn NSNN chưa được bố trí vốn. “Với các dự án giao thông trong nước, theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020 dự kiến bố trí cho 42 dự án để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, 32 dự án đã cơ bản hoàn thành và 27 dự án chuyển tiếp. Tuy nhiên, do nguồn NSNN hạn chế nên chưa bố trí đủ được theo nhu cầu cho 27 dự án chuyển tiếp”, ông Hoằng thông tin.
Được biết, 27 dự án chuyển tiếp này có tổng mức đầu tư 17.558 tỷ đồng, đã bố trí kế hoạch đến hết năm 2015 là 2.540 tỷ đồng, bố trí kế hoạch năm 2016, 2017 là 1.894 tỷ đồng, cần được tiếp tục bố trí kế hoạch trung hạn thêm 13.124 tỷ đồng để hoàn thành đưa vào khai thác. Tuy nhiên, trong khuôn khổ có hạn của kế hoạch trung hạn 2016-2020, Bộ GTVT đã rà soát, kiến nghị phân kỳ đầu tư các dự án chỉ thi công đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý, đảm bảo khai thác an toàn công trình.
“Sau khi rà soát, để thi công đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý, 27 dự án này cần bổ sung thêm 7.462 tỷ đồng (đồng nghĩa với việc chỉ thực hiện 68% tổng mức đầu tư của các dự án). Nếu 27 dự án này không được bổ sung vốn sẽ phải dừng, giãn gây lãng phí phần vốn đã đầu tư, mất ATGT, đi lại khó khăn và sẽ tốn một khoản kinh phí để khởi động lại dự án khi được bố trí vốn”, ông Hoằng nói thêm.
Cần tối thiểu 21.586 tỷ đồng vốn Trái phiếu chính phủ cho 28 dự án cấp bách
Liên quan đến phương án phân bổ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP), ông Hoằng cho hay, giai đoạn 2017-2020, Bộ GTVT dự kiến được phân bổ 75.000 tỷ đồng vốn TPCP (5.000 tỷ đồng dành riêng cho công tác GPMB dự án CHK quốc tế Long Thành; 70.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia).
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng phương án sử dụng 55.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ - Túy Loan và đoạn Cam Lâm (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai), thực hiện GPMB toàn tuyến theo quy mô quy hoạch, tổng chiều dài đầu tư khoảng 684 km. Với 15.000 tỷ đồng còn lại, chúng tôi dự kiến bố trí 7.000 tỷ đồng cho các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có để đảm bảo an toàn chạy tàu; 8.000 tỷ đồng dự kiến bố trí cho 9 dự án quan trọng cấp bách”, ông Hoằng cho hay.
Hiện tại, theo ông Hoằng, Bộ GTVT đã thực hiện rà soát danh mục các dự án giao thông quan trọng, cấp bách có nhu cầu triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nhu cầu đầu tư lên tới hơn 78.298 tỷ đồng bao gồm: 24.230 tỷ đồng cho các dự án đã phải dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11 và 54.068 tỷ đồng cho các dự án quan trọng, cấp bách cần khởi công mới, đã có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
“Để giải quyết nhu cầu cấp bách nhất của các dự án nêu trên, tối thiểu trong giai đoạn 2016 - 2020 cũng cần được bố trí 21.586 tỷ đồng cho 28 dự án cấp bách nhất”, ông Hoằng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN:
Lắp cân tại các cảng, mỏ để chấm dứt tranh cãi tải trọng
6 tháng đầu năm 2017, tình trạng xe chở quá tải tiếp diễn, tập trung chủ yếu tại các địa phương có mỏ vật liệu, bến cảng nội địa, công trình xây dựng như: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đồng Nai, Lào Cai và trên một số quốc lộ như QL1, 6, 18, 20, 51, đường HCM. Hiện, có 13/63 địa phương đã dừng hoạt động trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động do bảo dưỡng, sửa chữa trạm hoặc chờ kiện toàn lực lượng. Trong 6 tháng, các trạm kiểm tra tải trọng và Thanh tra Sở GTVT, các Cục Quản lý đường bộ đã kiểm tra 174.131 xe và phát hiên, xử lý 19.891 xe quá tải (bằng 11,4%); giảm đáng kể so với con số 356.544 xe được kiểm tra và 25.637 xe bị phát hiện, xử lý (bằng 7,2%) của cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, vi phạm chở quá tải có những biểu hiện tinh vi, như việc doanh nghiệp dùng xe thùng mui kín để chở quá tải. Tổng cục Đường bộ VN đề nghị Cục Hàng hải VN, Cục Đường thủy nội địa VN chỉ đạo giám sát chặt chẽ tải trọng, việc bốc xếp hàng hóa từ các mỏ, kho hàng; yêu cầu lắp đặt cân tại các cảng, mỏ để chấm dứt việc tranh cãi về tải trọng xe dựa trên hóa đơn vận chuyển. Cục Đường sắt VN chỉ đạo các ga từ chối tiếp nhận xe quá tải đến ga đường sắt.
Ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính:
Còn tình trạng chậm trễ trình hồ sơ quyết toán
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ GTVT đã lập, trình quyết toán 65 dự án với giá trị 45.367 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch cả năm. Đối với các dự án BOT, BT, đến nay đã chấp thuận quyết toán được 53/58 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các cơ quan của Bộ GTVT đã tích cực tham mưu công tác quyết toán các công trình xây dựng. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại mà các đơn vị cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, như việc chậm trễ quyết toán nguồn vốn sự nghiệp, một số dự án BOT chưa trình thủ tục quyết toán.
Từ nay đến cuối năm 2017, còn 52 dự án nữa phải lập quyết toán, đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần đẩy nhanh việc lập dự toán, quyết toán đúng thời hạn; khẩn trương rà soát các hợp đồng đã ký để tính lãi vay; phối hợp với các địa phương để lập, trình các thủ tục duyệt chi phí giải phóng mặt bằng.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN:
Địa phương cấp phép nạo vét luồng tận thu khoáng sản dưới nhiều hình thức
Hiện nay, trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia không có dự án nạo vét duy tu, tận thu sản phẩm nào thi công. Cục đã chấm dứt, thu hồi và kiến nghị thu hồi 48/56 dự án đã cấp chủ trương, ký hợp đồng từ năm 2011 đến nay. Đồng thời, chúng tôi cũng làm việc với từng địa phương, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát để xác định hiện trạng dự án, đảm bảo nhà đầu tư chấp hành nghiêm chủ trương dừng thi công, di chuyển thiết bị ra khỏi phạm vi dự án.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản trên sông vẫn diễn ra phức tạp, việc quản lý cũng còn nhiều bất cập. Theo thống kê sơ bộ, các địa phương đã cấp hơn 700 mỏ khai thác cát trên sông, cấp phép nhiều dự án nạo vét tận thu sản phẩm trên các tuyến sông dưới các hình thức khác nhau, chẳng hạn như dưới dạng giấy phép thăm dò khoáng sản... tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy, tình trạng cát không rõ nguồn gốc. Khoảng 90% phương tiện chở cát từ các mỏ khai thác cát chở quá tải, quá dấu mớn nước, trong khi bất cập là chưa có quy định về quản lý phương tiện xuất phát từ mỏ cát, khiến lực lượng thanh tra đường thủy khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý phương tiện thủy chở quá tải.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN:
Đường sắt thay đổi phương thức khai thác vận tải
Tổng công ty Đường sắt VN đang tập trung khai thác vận tải hành khách các tuyến ngắn như Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang, vận chuyển bằng các tàu đẹp, giờ đẹp, linh hoạt các phương thức bán vé và nâng chất lượng vệ sinh trên tàu. Hiện, chất lượng vệ sinh là vấn đề đầu tiên cần khắc phục nên tổng công ty đã thuê đơn vị dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp đảm nhận vệ sinh trên tàu và có sự tăng cường kiểm tra.
Sau 6 tháng, đường sắt tăng 10,5% sản lượng vận tải so với cùng kỳ năm trước. Đây mới chỉ là thành công bước đầu. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phân khúc thị trường vận tải và thực hiện các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng 20% sản lượng vận tải so với năm trước.
Nguồn: Báo giao thông