LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Tỷ lệ dư nợ vay ngân sách của Hải Phòng được phép tăng 10%, lên mức 40% so với quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước 2015 nhằm hỗ trợ nhu cầu phát triển của thành phố.
Thảo luận tại phiên họp chiều 15/5, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định nới một loạt cơ chế về tài chính để tạo đà phát triển cho thành phố Hải Phòng. Như vậy, sau Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng thì Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 4 được hưởng cơ chế đặc thù tài chính.
Theo tờ trình dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với thành phố Hải Phòng được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ trình các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, địa phương này xin "nới" hàng loạt cơ chế tài chính, ngân sách đầu tư.
Cụ thể, Hải Phòng được đề nghị nâng tỷ lệ mức dư nợ vay ngân sách thành phố không vượt quá 40% thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp (tăng 10% so với quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước 2015). Đồng thời, thành phố cũng được đề nghị xem xét bổ sung có mục tiêu 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và địa phương và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%, gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu, các khoản hạch toán ghi thu, chi...
Thẩm tra dự thảo Nghị định của Chính phủ, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho hay, đa số ý kiến tại cơ quan thường trực nhất trí về sự cần thiết ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách cho Hải Phòng.
Cũng đồng tình cần có cơ chế riêng để Hải Phòng phát triển, song bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đặt vấn đề, nếu tỉnh, thành phố nào cũng muốn có cơ chế đặc thù riêng thì ngân sách cân đối thế nào?
"Chúng tôi chia sẻ và đồng ý với đề xuất cần cơ chế riêng của Hải Phòng, nhưng nếu vài chục tỉnh, thành phố đều cùng xin cơ chế thì Luật Ngân sách có bị phá vỡ và sẽ phải sửa thế nào cho phù hợp?", bà Nga băn khoăn.
Trấn an Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khi đưa ra bất kỳ đề xuất nào Chính phủ cũng đều đã tính toán, cân đong kỹ mới chuyển sang cơ quan thường trực Quốc hội cho ý kiến, nên không lo chuyện ngân sách mất cân đối. Thêm nữa, Hải Phòng hiện là trung tâm, động lực phát triển kinh tế của cả vùng. Việc xây dựng cơ chế chính sách tài chính đặc thù đối với thành phố là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Ông Lê Văn Thành, Bí thư thành phố Hải Phòng cũng lý giải, thành phố có kết cấu hạ tầng, liên kết vùng rất rộng và là vùng trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước. Nếu có cơ chế đặc thù Hải Phòng sẽ phát triển đột phá trong tương lai.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, cơ chế đặc thù mới sẽ được áp dụng cho Hải Phòng theo đúng tinh thần Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Mức huy động thống nhất không quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách Nhà nước hằng năm. Mức tỷ lệ này của Hải Phòng ngang bằng với Đà Nẵng, nhưng vẫn thấp hơn mức 60% áp dụng cho Hà Nội, TP HCM.
Riêng với cơ chế bổ sung có mục tiêu, cơ quan thường trực Quốc hội thống nhất hằng năm ngân sách Trung ương bổ sung cho Hải Phòng 70% số tăng thu so với dự toán thu được giao và khoản thu ngân sách Trung ương được hưởng 100%, nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện năm trước. Mức thưởng vượt thu này của Hải Phòng tương đương với cơ chế áp dụng cho Đà Nẵng.
Dù vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh Nghị định phải lưu ý không dùng một số từ ngữ như “ưu tiên”, “hỗ trợ lãi suất”...Ngoài ra, vấn đề đặc thù ở đây rất trọng tâm, đó là chỉ tập trung cho các thành phố trực thuộc Trung ương chứ không phải hỗ trợ tràn lan.
Theo Vnexpress