LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Lợi dụng chính sách thủ tục hải quan ngày càng thông thoáng nhưng còn kẽ hở, các đối tượng đã khai gian, lách luồng… để buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo thống kê của Cục Hải quan TP HCM, 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị này đã bắt giữ và lập biên bản 694 vụ vi phạm với giá trị 443,4 tỉ đồng. Mặc dù số vụ vi phạm giảm đến hơn 45% nhưng giá trị lại tăng đến 570% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, trong đó có 621 vụ vi phạm về buôn lậu - gian lận thương mại, thủ tục hải quan…
Đối tác... “gửi nhầm”!
Đại diện Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 cho biết 3 tuần trước, đơn vị này đã xử lý và chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng khởi tố vụ việc liên quan đến gian lận thủ tục hải quan tại Cảng Container quốc tế (VICT).
Theo đó, Công ty TNHH Sinh Học (TP HCM) khai báo đơn hàng số SEL6061000347 nhập khẩu là cáp (loại dùng buộc tàu thuyền) xuất xứ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng tiến hành soi chiếu thì phát hiện đây là lô hàng phụ kiện ô tô và hàng bách hóa tiêu dùng. Đại diện Công ty TNHH Sinh Học giải thích do đối tác tại Hàn Quốc gửi nhầm hàng. Tuy nhiên, biện minh này đã bị cơ quan hải quan bác bỏ, cho rằng công ty đã vi phạm chính sách quản lý kinh tế, trốn thuế, lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro, khai báo sai sự thật.
Vào tháng 5 vừa qua, kiểm tra 1 container khai báo là hàng điện lạnh của một viện công nghệ xuất nhập khẩu có địa chỉ tại quận 2, TP HCM, cơ quan chức năng phát hiện hàng hóa ghi là vỏ động cơ điện bằng kim loại, công suất dưới 1 KW, đã qua sử dụng, nguồn gốc Nhật Bản. Thực tế, đó lại là tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, nồi cơm điện… đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Đại diện cơ quan chức năng cho biết dù đứng tên mở tờ khai nhập khẩu nhưng viện công nghệ nêu trên đã không đến làm thủ tục thông quan lô hàng và từ chối nhận với lý do phía công ty của Nhật gửi nhầm địa chỉ.
Mới đây, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư phối hợp với Công an TP HCM tiến hành kiểm tra và phát hiện một lô hàng nhập khẩu, trong đó có 265 máy điều hòa hiệu Panasonic nhưng được khai hải quan là ống thép. Đối tượng nhập hàng đã “núp bóng” Công ty TNHH Trung tâm thép NSSB (TP HCM) để khai báo hải quan và dùng mã số đại lý là D6718. Kết quả điều tra cho thấy chính nhân viên dịch vụ khai báo hải quan đã dùng chữ ký số của một doanh nghiệp khác, giả mạo đại lý hải quan để khai báo tờ khai này rồi nhập lậu hàng.
Đầu tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH MB Việt Nam (Tây Ninh) cũng mở tờ khai hải quan số tại Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư - Hải quan TP HCM để nhập lô hàng khai báo là nguyên phụ liệu may mặc, được phân luồng vàng, trị giá hơn 250 triệu đồng. Thế nhưng, qua khám xét, cơ quan hải quan phát hiện đây là hàng điện tử, gia dụng đã qua sử dụng và hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm (loại nhập khẩu có điều kiện), trị giá hơn 6 tỉ đồng. Cơ quan chức năng xác định nhân viên Công ty MB Việt Nam đã lợi dụng việc được giao quản lý và sử dụng chữ ký số, con dấu của chi nhánh công ty để lập tờ khai nhập hàng lậu.
Ngoài ra, cơ quan hải quan còn phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2016, Công ty MB Việt Nam đã mở 12 tờ khai hải quan nhập trên 141 tấn hàng hóa là nguyên phụ liệu may mặc. Tuy vậy, Tổng Giám đốc MB Việt Nam Kang Young Keun lại khẳng định số hàng này không được đưa về kho của doanh nghiệp và cũng không biết đi đâu.
Các cán bộ hải quan cho hay với thủ tục khai báo hải quan điện tử, mỗi doanh nghiệp được cấp 1 mật khẩu ID và chữ ký số để truy cập hệ thống, thực hiện khai báo hải quan. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã giao cho nhân viên từ chữ ký số đến đóng dấu… nên đã bị lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm khó lường.
Ngoài việc lợi dụng kẽ hở của các quy trình, thủ tục thông quan để lách luồng, khai gian thông tin nhằm trốn thuế, các đối tượng còn lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp dễ dàng để nhập khẩu hàng, nếu bị phát hiện thì chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”. Chưa kể, nhiều trường hợp nhập hàng về cảng chờ thông quan nhưng thấy khó khăn, họ lại để hàng trong cảng và không nhận.
Chủ động ngăn ngừa, phòng chống
Ông Lê Đình Lợi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, cho biết việc gian lận về hải quan, xuất nhập khẩu hàng hóa từ các cảng, sân bay, khu chế xuất ngày càng phức tạp. Các doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở của chương trình thông quan điện tử VNACCS/ VCIS (vốn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan nhanh) để khai gian luồng, từ đỏ sang vàng hoặc xanh. Đặc biệt là những vi phạm về khai gian hàng thuế suất cao thành hàng có thuế suất thấp để trốn thuế hoặc nhập hàng kém chất lượng về Việt Nam…
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không mở tờ khai ở cảng TP HCM mà chuyển hàng đi cảng khác nhằm né tránh sự kiểm soát của hải quan và cơ quan chức năng. “Họ lợi dụng hàng quá cảnh về Việt Nam qua các nước nhưng khi tập kết ở một địa chỉ nào đó ở vùng biên (như cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh) rồi lại cho quay về tiêu thụ trong nước” - ông Lợi dẫn chứng.
Theo ông Lợi, để có lý lịch “sạch”, các đối tượng vi phạm bị cơ quan hải quan xử lý đã giải thể doanh nghiệp, sau đó đi xin giấy phép thành lập doanh nghiệp mới nhằm qua mặt cơ quan chức năng. “Đến khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng kiểm tra thì cũng khó mà kiếm được đúng chủ hàng để truy cứu trách nhiệm” - ông Lợi nêu thực tế.
Bà Huỳnh Thị Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư, cho biết chính sách hải quan gần đây đã chuyên nghiệp hơn, ưu tiên cho đại lý hải quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục. Tuy nhiên, cần phải có thời gian sàng lọc, thống kê những đại lý uy tín. Bởi lẽ, về nguyên tắc, chữ ký số của doanh nghiệp là do họ quản lý nhưng rất dễ bị lộ nếu để kẻ xấu lợi dụng, trong đó có đại lý hay nhân viên. Chưa kể, thông tin của từng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp làm tốt, được tuyên dương cũng dễ bị các đối tượng xấu lưu ý. Từ đó, họ đã lợi dụng và làm tờ khai nhập hàng mà các doanh nghiệp hoàn toàn không biết nếu cơ quan chức năng không phát hiện.
Để giảm thiểu tình trạng này, ông Lê Đình Lợi cho biết Cục Hải quan TP HCM đã triển khai soi chiếu hàng hóa trước nhập cảng nếu thấy khả nghi hay hàng cấm nhập khẩu sẽ không cho vào cảng. Bên cạnh đó, hải quan các khu vực cảng còn kết hợp với các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an… để phòng chống và xử lý vi phạm. Trong đó, chủ động xây dựng kế hoạch rà soát lại việc đăng ký của tất cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng không mở tờ khai, kiểm tra…
Theo Người lao động