LIÊN HỆ MUA BÁN XE

0966.809.696

hien thi
Gạo mất dần thị trường xuất khẩu
15 May
Gạo mất dần thị trường xuất khẩu

Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments

Trong khi đó, theo Cục Ngoại thương Bộ Thương mại Thái Lan, nước này đã xuất khẩu được 3,4 triệu tấn gạo trong 4 tháng đầu năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong năm 2017. Nguyên nhân được cho là nhiều thị trường giảm nhập khẩu, nguồn cung thế giới dồi dào, trong khi gạo Việt Nam chưa có thương hiệu quốc gia nên kém cạnh tranh.
Khó cạnh tranh

Năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị với con số giảm tương ứng là 25,5% và 20,5% so với năm 2015. Tình hình tiếp tục lặp lại trong 4 tháng đầu năm 2017, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 1,86 triệu tấn và 834 triệu USD, giảm 7,7% về khối lượng và giảm 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đáng nói, đây là tháng thứ 4 liên tiếp trong năm 2017 lượng gạo xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, theo Cục Ngoại thương Bộ Thương mại Thái Lan, nước này đã xuất khẩu được 3,4 triệu tấn gạo trong 4 tháng đầu năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chuyên gia nông nghiệp, GS Võ Tòng Xuân, do không có thương hiệu, gạo Việt đang gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu. Nông dân trồng những giống lúa năng suất cao, nhưng chưa quan tâm đến chất lượng.

Cùng quan điểm này, TS Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Xuất khẩu gạo vẫn đang chú trọng về số lượng, chưa chú trọng về chất lượng. Người sản xuất cũng đang sử dụng nhiều loại giống khác nhau dẫn tới chất lượng không đồng đều”.

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: “Nhiều thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam đang dần thay đổi cơ chế điều hành nhập khẩu gạo, từ Chính phủ nhập khẩu sang giao cho doanh nghiệp tư nhân đấu thầu hạn ngạch hoặc tự do hóa hoàn toàn”.

Bên cạnh đó, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), hiệu quả của ngành lúa gạo Việt Nam còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao 13,7% (Thái Lan là 6,1% và Ấn Độ là 6%). Chất lượng gạo xuất khẩu thấp, công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển nên khả năng cạnh tranh trong thương mại không cao.

Do vậy, mục tiêu xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo, trị giá 2,3 tỷ USD của Việt Nam trong năm 2017 càng trở nên khó khăn nhất là khi Thái Lan có kế hoạch xả kho 8 triệu tấn gạo dự trữ. Năm qua, Thái Lan xuất khẩu 9,6 triệu tấn gạo, xếp vị trí thứ hai sau Ấn Độ với 10,43 triệu tấn. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu 4,88 triệu tấn.

Xây dựng thương hiệu quốc gia

Những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đều có những thương hiệu gạo nổi tiếng, đem lại giá trị cao như: Thái Lan có gạo Khao Dawk Mali và Hom Mali. Campuchia có gạo Romduol. Myanmar có gạo Paw San. Ấn Độ có gạo Basmati… Do vậy, Việt Nam, không còn cách nào khác là xây dựng thương hiệu gạo để xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NN&PTNT) đã đặt mục tiêu đến năm 2020, có 20 – 30% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 25 – 30% lượng gạo xuất khẩu thuộc nhóm gạo thơm và đặc sản.

“Nhà nước cần tổ chức bình tuyển các giống lúa ở từng vùng để chọn ra loại ngon nhất, để sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận cung cấp cho nông dân”, GS Võ Tòng Xuân nói.

Còn ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cho rằng, muốn xây dựng được thương hiệu gạo, đẩy mạnh xuất khẩu thì phải có chứng nhận về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Nhà nước phải xây dựng tiêu chuẩn chất lượng quốc gia đối với mặt hàng gạo. Nông dân tham gia hợp tác xã để cùng doanh nghiệp có điều kiện liên kết sản xuất lớn.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ NN&PTNT xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia đối với gạo để làm cơ sở kiểm tra, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thị trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý II/2017.

Đồng thời Bộ NN&PTNT rà soát, phổ biến quy định của các thị trường, các cam kết quốc tế của Việt Nam về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm và có biện pháp thay thế những chủng loại thuốc có chứa các hoạt chất độc hại, gây dư lượng hóa chất trong sản phẩm gạo không phù hợp với quy định của từng thị trường nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nắm tình hình thương mại gạo thế giới, thông tin về nhu cầu, thị hiếu của các thị trường nhập khẩu để kịp thời hướng dẫn, tuyên tuyền đến các địa phương, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo… Đồng thời khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường xuất gạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2017.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao VFA hỗ trợ thương nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gạo, nhất là trong liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng, thị trường xuất khẩu, kịp thời kiến nghị các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn: “Quy mô sản xuất toàn ngành có thể nhỏ lại nhưng chất lượng phải tăng lên. Lượng gạo xuất khẩu có thể giảm nhưng giá trị, hiệu quả và thu nhập của người trồng lúa phải được nâng cao, sản xuất bền vững hơn”.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 3/2017 với 43,3% thị phần (528.000 tấn và 224,8 triệu USD), tăng 11,3% về khối lượng và tăng 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 15,9% thị phần (đạt 235.000 tấn và 89,7 triệu USD, tăng 23,5% về khối lượng và tăng 10,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016). Tuy nhiên, ba tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh là Gana (57,6%), Hồng Kông (45,8%), Hoa Kỳ (24,7%) và Malaysia (24,5%)…
 
Hữu Vinh/Báo Tin Tức

Bình luận của bạn