LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, dù là hàng biếu tặng giá trị thấp, không có mục đích thương mại vẫn phải lưu kho chờ xin phép, gây tốn thời gian, chi phí.
(ĐTCK) Trong bối cảnh nhiều vướng mắc còn tồn tại, cản trở hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, mới đây, tại Hội thảo Kiến tạo môi trường kinh doanh do Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) tổ chức, đại diện Văn phòng Chính phủ đã kêu gọi doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước mạnh dạn hơn nữa trong việc hiến kế cải thiện môi trường kinh doanh.
Cũng tại Hội thảo này, đại diện nhiều doanh nghiệp, cùng các bộ ngành đã lên tiếng chỉ rõ những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải, mong muốn được gỡ bỏ trong thời gian tới.
Ông Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, chưa cần bàn đến giải pháp mới, chỉ cần thực thi tốt, chuẩn mực nhóm giải pháp cơ chế 1 cửa đúng như mục tiêu đặt ra là đủ sức giảm tối đa thời gian, chi phí và thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao được hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh.
“Quan điểm và cách tiếp cận về kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều bất cập. Vấn đề này tuy đã được kiến nghị nhiều lần, tại nhiều hội thảo và diễn đàn, song chuyển biến chưa đáng kể”, ông Thành nhấn mạnh. Nêu một ví dụ cụ thể, ông Thành chỉ rõ những tồn tại trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này.
“Để nhập được sản phẩm thức ăn chăn nuôi vào thị trường nội địa, doanh nghiệp phải qua ít nhất hai cửa khác nhau. Nếu là thức ăn cho cá thì phải đăng ký kiểm tra chuyên ngành với Tổng cục Thủy sản, còn là thức ăn cho gia súc thì đăng ký với Cục Thú y. Cùng một nguyên liệu cho vật nuôi heo, gà, cá, tôm mà doanh nghiệp phải đăng ký ở 2 cơ quan khác nhau dẫn tới sự trùng lặp không cần thiết, gây tốn kém chi phí, thời gian cho doanh nghiệp”, ông Thành nói.
Tình trạng này đã thể hiện một bất cập tuy đã được doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần, nhưng cơ quan nhà nước chưa thay đổi, đó là nguyên tắc công nhận lẫn nhau, vốn đã được áp dụng tại hầu hết các quốc gia theo thông lệ quốc tế. Để khắc phục triệt để bất cập này, ông Thành kiến nghị cần tập hợp lại theo cơ chế “một cửa”, vừa đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính, vừa tiết giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cũng liên quan đến những vướng mắc trong công tác kiểm tra chuyên ngành, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocharm) cho biết, mặc dù hiện nay việc kiểm tra thông qua cổng thông tin điện tử quốc gia đã được triển khai với sự tham gia của hầu hết các bộ ngành thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành, song việc kiểm tra qua cổng vẫn rất hạn chế.
Trước tình trạng này, ông Ngô Minh Hải, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, thực tế hiện nay, các thủ tục liên quan đến hải quan đã giảm xuống còn 20%, tuy nhiên thủ tục hành chính của các cơ quan chuyên ngành chiếm tới gần 80%.
“Theo thống kê, hiện nay vẫn còn tới 362 văn bản các loại của các bộ ngành, tức là tương ứng với bấy nhiêu giấy phép con. Bởi vậy, cơ quan hải quan có muốn đơn giản hóa thủ tục để giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp cũng khó”, ông Hải chia sẻ.
Từ thực tế này, đại diện ngành hải quan thẳng thắn kiến nghị các bộ ngành cần tiếp tục rà soát thủ tục, cải cách mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa về khung thể chế, cách thức, phương thức kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, đặc biệt là nhanh chóng rà soát lại danh mục hàng hóa cần kiểm tra chuyên ngành, minh bạch hoá việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân
Để có thể đi được đến cùng trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, VPSF đã xây dựng lộ trình rà soát, đánh giá và xây dựng giải pháp cải cách trong năm 2017 tập trung, trọng tâm và xuyên suốt; vừa là những chủ đề ưu tiên của Chính phủ, vừa là những vướng mắc khó khăn lớn, lâu nay của doanh nghiệp; trên cơ sở sự hợp tác chặt chẽ với nhiều bên ở cả hai khu vực công, tư.
Với cách thức đó, doanh nghiệp có thể theo dõi được tiến trình xử lý các kiến nghị, diễn đàn và các hiệp hội chủ động hơn khi tham gia hiến kế và hoạch định chính sách; các cơ quan hữu quan cũng nắm bắt được ý kiến và quan điểm doanh nghiệp rõ ràng, sâu sắc hơn để cân nhắc thực tiễn vào xây dựng chính sách pháp luật.
Sưu tầm