LIÊN HỆ MUA BÁN XE

0966.809.696

hien thi
Cơ khí đường sắt chuyển mình nhờ luật mới
28 Aug
Cơ khí đường sắt chuyển mình nhờ luật mới

Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments

Kể từ khi Luật Đường sắt mới được ban hành với nhiều cơ chế thuận lợi, lĩnh vực cơ khí đường sắt bắt đầu chuyển mình sau một thời gian dài èo uột, lạc hậu do ít được đầu tư.

Hết cảnh người chờ việc

Đến Công ty CP Xe lửa Gia Lâm những ngày này, ghi nhận của PV Báo Giao thông, khắp các phân xưởng đang rộn rã, khẩn trương lao động cho kịp tiến độ bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Từ đầu năm nay, doanh nghiệp cơ khí có truyền thống lâu đời bậc nhất ngành Đường sắt này nhận thêm nhiều đơn hàng sửa chữa đầu máy, toa xe mới nên phải huy động tối đa nhân lực thi công.

Ông Tạ Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xe lửa Gia Lâm chia sẻ, chỉ năm ngoái (2016), đơn vị vẫn phải hoạt động cầm chừng để duy trì bộ máy do thiếu việc làm trầm trọng, người lao động thu nhập thấp. “Do thị phần vận tải của ngành Đường sắt sụt giảm nên nguồn vốn đầu tư cho phương tiện rất hạn chế. Điều đó khiến số lượng toa xe vào sửa chữa thấp, sản phẩm đầu máy, toa xe đóng mới gần như không có”, ông Thắng nói.

"Muốn cơ khí đường sắt phát triển, phải giao việc, có cơ chế tạo việc làm cho các đơn vị này. Khi có doanh thu rồi, họ sẽ tích cực đầu tư, đổi mới công nghệ và thiết bị rồi dần dần nội địa hóa. Tổng công ty Đường sắt VN chủ trương tìm kiếm đối tác, cổ đông chiến lược trong và ngoài nước để đổi mới công nghệ, bao tiêu sản phẩm hướng tới tự chủ trong thiết kế, đóng mới các sản phẩm sử dụng trong ngành đường sắt."

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh

Ông Thắng cho biết, năm 2016 do sản xuất cầm chừng nên thu nhập trung bình cả năm của CBCNV chỉ 5,7 triệu đồng/tháng, bao gồm tất cả các khoản lễ, Tết, bảo hiểm các loại, các khoản đóng góp theo quy định, vì vậy thực lĩnh còn lại thấp. Doanh thu chỉ đạt hơn 66/107 tỷ đồng kế hoạch.

Sang năm 2017, đặc biệt là kế hoạch cuối năm, với sự bảo lãnh của Tổng công ty Đường sắt VN, công ty đã tham gia đấu thầu và nhận được nhiều đơn hàng đóng mới, sửa chữa đầu máy, toa xe hơn. Những tháng còn lại cuối năm, công ty tập trung hoàn thành đóng mới 8 toa xe khách chất lượng cao giá trị hàng chục tỷ đồng và sửa chữa, cải tạo các cấp đầu máy, toa xe nên dự kiến sản lượng, doanh thu sẽ tăng cao hơn những năm trước với kế hoạch dự kiến 112 tỷ đồng doanh thu. Vì vậy, thu nhập người lao động sẽ được cải thiện hơn, phấn đấu đạt 6,2 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, ông Phạm Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xe lửa Dĩ An cho biết, từ đầu năm nay công ty làm không hết việc vì có đơn hàng đóng mới gần 40 toa xe khách của các công ty vận tải đường sắt và một số doanh nghiệp ngoài ngành.

“Điều này khác xa những năm trước, Công ty CP Xe lửa Dĩ An luôn trong cảnh “người chờ việc” vì nhu cầu sản phẩm của các công ty vận tải ít và không thể cạnh tranh nổi với các đơn vị ngoài ngành do dây chuyền công nghệ quá lạc hậu. Kết quả sản xuất kinh doanh yếu kém nên việc tiếp cận các nguồn vốn như vốn vay ngân hàng để đầu tư trang thiết bị, dây chuyền hiện đại, mở rộng sản xuất cũng rất khó”, ông Vinh nói và cho biết, năm 2016, doanh thu chỉ đạt trên 80 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 11-12 triệu/đồng/tháng. Năm 2017, với việc công ty đang thực hiện các đơn hàng lớn, doanh thu có thể đạt hơn 275 tỷ đồng.

Luật mới rộng cửa đầu tư

Có sự chuyển mình như vậy là do lĩnh vực cơ khí đường sắt được thừa hưởng nhiều cơ chế mới của Luật Đường sắt 2017. Luật mới ban hành đã xác định có 3 hệ thống đường sắt là hệ thống đường sắt hiện hữu, hệ thống đường sắt đô thị đang được xây dựng, phát triển và hệ thống đường sắt tốc độ cao trong tương lai. Cơ khí đường sắt có vai trò rất quan trọng đối với cả 3 hệ thống này.

Vì vậy, để phát triển cơ khí đường sắt trong nước, luật đã đưa ra các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế đất; miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc, vật tư, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt trong nước chưa sản xuất được; được vay vốn với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi nhất từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước... Với các chính sách ưu đãi này có thể kêu gọi được các nhà đầu tư, nhà sản xuất hợp tác đầu tư để phát triển.

Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho rằng, phát triển các cơ sở công nghiệp cơ khí là rất cần thiết cho phát triển ngành Đường sắt. Vì ngoài hiện đại hóa tuyến đường sắt hiện có theo quy hoạch, tới đây còn mở mới nhiều tuyến đường sắt như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… Cùng đó, mạng lưới đường sắt đô thị ở các thành phố lớn như Hà Nội có tới 8 tuyến đường sắt đô thị; TP.HCM cũng có 8 tuyến tàu điện ngầm và 3 tuyến xe điện mặt đất.

“Nhu cầu sản xuất, lắp ráp toa xe, đầu máy trong tương lai rất lớn, nhưng không thể phụ thuộc ngoại nhập, phải phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện đường sắt trong nước để giảm chi phí, tăng hiệu quả”, ông Khôi nói và cho biết, cơ khí đường sắt tới đây phải phát triển xứng tầm, đáp ứng mục tiêu của các chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là, đến năm 2020 tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất đầu máy, toa xe phải đạt 40-60% và đến năm 2030, tỷ lệ này là 60-80%, tiến tới xuất khẩu.

“Các cơ sở công nghiệp như Xe lửa Gia Lâm, Xe lửa Dĩ An không chỉ cần được duy trì tồn tại mà còn cần được đầu tư thỏa đáng để thực hiện mục tiêu chiến lược, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Khôi nói thêm.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh cũng cho biết, đúng là những năm gần đây cơ khí ít được chú trọng vì nhu cầu vận tải không lớn. Luật Đường sắt 2017 được ban hành với nhiều ưu đãi đã mở ra cơ hội lớn để phát triển công nghiệp đường sắt nói chung, cơ khí nói riêng.

Ông Minh cũng cho biết, ngoài các cơ chế chính sách của Nhà nước, Tổng công ty Đường sắt VN còn có các chính sách đầu tư phát triển vận tải, tạo việc làm cho các đơn vị cơ khí. Ngành Đường sắt đang thực hiện đóng mới toa xe, mục tiêu là 2017 sẽ có 5-6 đoàn tàu hiện đại. Tổng công ty dự kiến tới đây đầu tư 100 đầu máy, trong đó 50% đấu thầu quốc tế mua mới, 50% mua động cơ về lắp ráp trong nước để thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển.
Nguồn: Báo giao thông

Bình luận của bạn