LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước, dự báo đến năm 2020, nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và hàng hóa là 62,27 triệu tấn/năm.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa thay mặt Chính phủ đã có Tờ trình “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông” để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Cấp thiết đầu tư, không thể trì hoãn
Tờ trình do Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa ký nêu rõ, việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết và không thể trì hoãn nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển KT-XH; Giải quyết hạn chế của các tuyến quốc lộ, đặc biệt là QL1 không thể khắc phục. Đồng thời, đây là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm.
Cụ thể, theo tờ trình, hành lang vận tải Bắc - Nam từ Hà Nội - TP.HCM có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước: Kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM, đi qua 20 tỉnh, thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại I - II và 67% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối ba vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan tỏa nhất, rất cần thiết phải ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế.
Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước, dự báo đến năm 2020, nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và hàng hóa là 62,27 triệu tấn/năm. Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam hoặc đường sắt tốc độ cao, nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
“Trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông để đáp ứng nhu cầu vận tải là không thể trì hoãn”, tờ trình nêu rõ.
Lý giải rõ hơn về việc ưu tiên lựa chọn đầu tư trước dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam thay vì đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM, trong tờ trình gửi Quốc hội, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, theo kết quả nghiên cứu và số liệu dự báo nhu cầu vận tải, đến năm 2020 đã xuất hiện nhu cầu đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và phần lớn các đoạn tuyến cần được đầu tư trước năm 2020 theo Quyết định 326 ngày 1/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 214 ngày 10/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ) và Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 1468 ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ), đến năm 2020 chỉ dừng ở bước nghiên cứu phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm; Giai đoạn năm 2020 - 2030 mới triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao đối với những đoạn có nhu cầu vận tải lớn (Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang) và phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050.
Bên cạnh đó, về khả năng huy động nguồn lực, để hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhu cầu nguồn vốn để thông tuyến khoảng 10 tỷ USD, trong khi để thông tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM cần khoảng 50 tỷ USD. “Đường sắt tốc độ cao là loại hình vận chuyển công nghệ cao, khác với công nghệ truyền thống đang sử dụng ở nước ta hiện nay nên cần một khoảng thời gian nhất định để đào tạo nguồn nhân lực quản lý và vận hành. Hơn nữa, công nghệ xây dựng và chế tạo thiết bị trong nước chưa thể làm chủ toàn bộ việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao. Trong khi, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn làm chủ công nghệ xây dựng đường bộ cao tốc”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết.
Phân kỳ đầu tư xây dựng trước 713km
Về phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, toàn bộ dự án có quy mô rất lớn nên không khả thi để kêu gọi đầu tư như một dự án duy nhất, ngoài ra, tiến độ đầu tư từng đoạn tuyến là khác nhau phụ thuộc vào nhu cầu vận tải. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị chia dự án thành 20 dự án thành phần vận hành độc lập để đầu tư với các hình thức khác nhau, phù hợp theo nguyên tắc: Các dự án hoàn thành có thể đưa vào khai thác độc lập, kết nối được với hệ thống; Quy mô dự án không quá lớn để có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và điều kiện đặc thù của từng dự án thành phần. Công tác GPMB tách thành các dự án thành phần theo địa phận các tỉnh, thành phố và giao cho các địa phương tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT xây dựng phương án đầu tư dự án theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2017 - 2025) và giai đoạn 2 (sau năm 2025). Trong giai đoạn 1 gồm: Ưu tiên 1 (2017 - 2020) và ưu tiên 2 (2021 - 2025). Cụ thể, ưu tiên 1 (2017 - 2020), dự án được tiến hành đầu tư xây dựng với chiều dài khoảng 713km. Trong đó, chiều dài các đoạn cao tốc được xây dựng mới khoảng 632km, quy mô 4 làn xe gồm: Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai). Đồng thời, dự án tiến hành mở rộng khoảng 81km từ quy mô 2 làn xe thành 4 làn xe thuộc các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) và La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng).
Công tác GPMB (713km) thực hiện theo quy mô quy hoạch đã được duyệt và chia thành 20 dự án thành phần giao cho các địa phương thực hiện. Tổng mức đầu tư khoảng 130.216 tỷ đồng, trong đó, phần vốn Nhà nước hỗ trợ là 55.000 tỷ đồng và phần vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn vay) khoảng 63.716 tỷ đồng.
Ưu tiên 2 (2021 - 2025), dự án sẽ đầu tư xây dựng các đoạn còn lại (khoảng 659km) để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, gồm 9 dự án thành phần thuộc các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ và Quảng Ngãi - Nha Trang. Công tác GPMB chia thành 14 dự án thành phần giao cho các địa phương tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư khoảng 113.096 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 56.955 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn vay) khoảng 56.141 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (sau năm 2025), dự án sẽ thực hiện mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được đuyệt, căn cứ vào nhu cầu vận tải sẽ quyết định cụ thể thời điểm đầu tư, phương án đầu tư và nguồn vốn.
Về hình thức đầu tư, Bộ GTVT cho biết, các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng dự án là BOT. Các đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế); Mở rộng quy mô từ 2 lên 4 làn xe đoạn La Sơn - Túy Loan (Đà Nẵng) và đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) đầu tư theo hình thức đầu tư công. “Các đoạn đầu tư theo hình thức đầu tư công sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ xem xét xây dựng phương án nhượng quyền để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các đoạn tiếp theo”, tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (điểm cuối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Điểm cuối dự án tại nút giao Dầu Giây (điểm cuối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây), thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Dự án có chiều dài khoảng 1.372km, đi qua 16 tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai. Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư toàn dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng bao gồm: Giai đoạn 1 (2017 - 2025) khoảng 243.312 tỷ đồng và giai đoạn 2 (sau năm 2025) khoảng 69.123 tỷ đồng.
Dự kiến tiến độ và lộ trình thực hiện: Giai đoạn 1 (2017 - 2025), các đoạn ưu tiên 1 (dài 713km): Chuẩn bị đầu tư: Năm 2017 - 2018, thực hiện đầu tư: Dự kiến khởi công năm 2018, hoàn thành năm 2020; các đoạn ưu tiên 2 (dài 659 km): Chuẩn bị đầu tư: Năm 2019 - 2021, thực hiện đầu tư: Dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025. Giai đoạn 2: Thực hiện sau năm 2025.
Nguồn: Báo Giao thông