LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Hầu hết các cảng cạn chỉ có phương thức vận chuyển hàng hóa, container bằng ô tô. Nhưng việc không có sự kết nối, liên thông các phương thức vận tải khiến cảng cạn không phát huy được vai trò, lợi thế.
Đường sắt, thủy nội địa yếu thế
Cảng cạn (ICD) được xác định là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng GTVT, đầu mối tổ chức vận tải container, xuất nhập khẩu bằng container gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ. Tuy vậy, lâu nay trên thực tế, hầu hết cảng cạn chỉ có phương thức vận chuyển đường bộ, gây ra sự quá tải lưu lượng xe vận chuyển container và ùn tắc giao thông.
Theo lãnh đạo bộ phận giao nhận của Cảng cạn ICD Mỹ Đình (Hà Nội), từ trước đến nay, hàng hóa từ cảng biển về ICD Mỹ Đình đều bằng ô tô, chưa khi nào trung chuyển qua đường sắt hay đường thủy. “Các xe ô tô vận chuyển đều được đăng ký biển số với cơ quan hải quan và được quản lý chặt chẽ. Có những thời điểm phải điều tiết liên tục để tránh xe về đông quá, gây ùn tắc. Chúng tôi cũng đã từng khảo sát vận chuyển qua cảng Hồng Vân trên sông Hồng nhưng luồng tàu không thuận tiện cho tàu chở container” ông này nói.
"Các tỉnh khi xây dựng quy hoạch khu công nghiệp chỉ thấy xây dựng ICD cho đường bộ, nên cần tính đến giải pháp kết nối ICD bằng đường sắt đến các khu công nghiệp. Điều kiện tiên quyết là đường sắt phải có tiếng nói rõ về quy hoạch đường nhánh vào khu công nghiệp và cần nâng cao năng lực vận chuyển, xếp dỡ của đường sắt”.
Một cán bộ quản lý vận tải tại ICD Mỹ Đình, Hà Nội, Anh Nguyễn Hữu Hà, nhân viên của cảng cạn Thụy Vân (Phú Thọ) cho biết, địa bàn có tuyến đường sắt đi qua nhưng chưa khi nào trung chuyển container từ đường sắt đến cảng, mà đều chuyển trực tiếp bằng xe ô tô từ cảng biển đến hoặc đưa hàng đi. “Cách đây hơn 1 năm có cảng Hải Linh mở tuyến vận tải container từ Việt Trì, Phú Thọ đi Hải Phòng, nhưng thời gian vận chuyển không nhanh bằng đường bộ nên vẫn dùng ô tô để chở container”, anh Hà nói.
Theo thống kê của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, khu vực phía Bắc hiện có 10 cảng cạn, với khoảng cách bình quân từ các ICD đến cảng biển Hải Phòng là 120km, nhưng chỉ có ICD Lào Cai kết nối với đường sắt và ICD Phúc Lộc (Ninh Bình) kết nối với đường thủy, còn lại đều chỉ vận chuyển bằng đường bộ.
Dù ICD Lào Cai có kết nối đường sắt, nhưng trong đợt khảo sát mới đây của liên Cục Hàng hải, Đường sắt và Đường thủy nội địa về thực trạng kết nối giữa các phương thức vận tải giữa các phương thức cho thấy, hầu hết container đi từ Hải Phòng đến Lào Cai vẫn bằng đường bộ. Cụ thể, đường bộ chiếm hơn 72% thị phần, đường sắt 27% và thủy nội địa chỉ chiếm dưới 1%. Riêng về đường sắt, nguyên nhân do thiếu toa xe vận chuyển container và đặc biệt là container đông lạnh, kể cả năng lực xếp dỡ container (chỉ có ga Hải Phòng và Lào Cai có thiết bị xếp dỡ).
Còn tại phía Nam, việc kết nối đường thủy với cảng cạn phần nào phát huy được ưu thế, với 7/10 cảng cạn có vận tải thủy. Tuy nhiên, tỷ lệ đảm nhận của đường thủy chỉ 30-35% khối lượng vận tải.
Kết nối thế nào?
Theo đại diện một số doanh nghiệp vận tải, nguyên nhân khiến các cảng cạn chủ yếu chỉ có duy nhất phương thức vận tải đường bộ do trước đây nhiều cảng cạn được hình thành, phát triển từ các địa điểm thông quan ngoài cửa khẩu, cảng thông quan nội địa. Từ thực tế trên, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho rằng, những hạn chế này dẫn đến việc phát triển lệch giữa các phương thức vận tải, khiến không ít cảng cạn có chức năng cũng giống như bãi chứa, rút hàng container chứ không phải là cảng ICD nữa.
“Trước đây, khi đầu tư các cảng chưa tính đến vận tải đa phương thức nên có bất cập trên. Giờ chúng ta đang thực hiện quy hoạch cần hướng đến lâu dài hơn, chứ không thể dựa trên những cảng hiện có. Hướng lâu dài phải thực sự tạo được kết nối phương thức vận tải của ICD với đường thủy, đường sắt. Các ICD có thể đặt ở trong hoặc ngoài khu công nghiệp, vận chuyển bằng đường sắt, đường thủy ở cự ly dài, còn cự ly ngắn dùng đường bộ”, ông Giang nêu vấn đề.
Được biết, tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển cảng cạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó nêu ICD phải được kết nối với ít nhất 2 phương thức vận tải. Ngoài đường bộ, phương thức còn lại phải là đường sắt hoặc đường thủy nội địa. Hiện, Cục Hàng hải VN đang xây dựng quy hoạch chi tiết cảng cạn trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, chỉ riêng việc kết nối các phương thức vận tải với cảng ICD đang có hàng loạt khó khăn được đặt ra, như chưa có cảng cạn nào được quy hoạch đồng bộ với quy hoạch chuyên ngành GTVT. Trong đó quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thủy nội địa, ga đường sắt chưa tính đến kết hợp với việc phát triển các cảng cạn.
“Vấn đề kết nối cảng cạn với phương thức vận tải thứ hai, đặc biệt là đường sắt đang gặp phải những thách thức rất lớn. Việc triển khai đầu tư các dự án đường sắt xây dựng mới nhiều năm qua rất chậm chạp do không huy động được nguồn vốn đầu tư, ngay cả đối với các tuyến đã duyệt báo cáo khả thi”, đại diện Cục Hàng hải VN chia sẻ.
Theo Báo giao thông