LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Nhiều nước đang học tập Hàn Quốc ở khía cạnh áp dụng thành công hệ thống xe buýt nhanh (BRT) giúp giảm tắc đường và tăng lượng người sử dụng phương tiện công cộng.
BRT giúp giảm tắc đường
Tắc đường đã và đang là vấn nạn khiến Chính phủ nhiều nước trên thế giới đau đầu. Giám đốc điều hành Cơ quan Nghiên cứu Phát triển và Hoạch định UP (Philippines), TS. Primitivo Cal nhận định: Để giải quyết nạn tắc đường, cần phải phát triển giao thông công cộng đường bộ chất lượng cao, đáng tin cậy, giá cả phải chăng và an toàn. Do đó, việc chuyển đổi các phương tiện giao thông công cộng từ loại chất lượng thấp, khí thải cao sang giao thông công cộng chất lượng cao, hạn chế khí thải là cần thiết và BRT (Bus Rapid Transit) là một phần giải pháp”.
Thực tế, nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam bắt đầu áp dụng xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit) vì chi phí “hợp túi tiền” và đã chứng minh hiệu quả tại nhiều thành phố, quốc gia trên thế giới như TP Seoul (Hàn Quốc).
Cũng như bao nước khác, điều kiện kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân tăng cao tại Hàn Quốc. Đó là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn giao thông, đặc biệt tại các tuyến đường cao tốc huyết mạch nối ngoại ô với khu vực trung tâm thành phố.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2004, khi Seoul chưa áp dụng BRT, tốc độ di chuyển đường bộ tại Seoul trung bình khoảng 20km/h, thậm chí chỉ còn 17km/h hai khu vực trung tâm thương mại. Đường phố tắc nghẽn khiến tốc độ xe buýt ì ạch hơn tốc độ xe ô tô và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dịch xe buýt, chưa kể đến các vấn đề ô nhiễm, tiếng ồn, TNGT… Thiệt hại về kinh tế - xã hội do tắc đường thời điểm đó lên tới 7 nghìn tỉ won/năm (5,8 tỉ USD).
Xác định gỡ rối giao thông là điều kiện tiên quyết để tăng cường khả năng cạnh tranh của Seoul, năm 2004, Chính phủ Hàn Quốc quyết định chọn phương án xe buýt nhanh BRT để cải thiện vấn đề tắc nghẽn, tăng lượng người sử dụng phương tiện công cộng. Từ khi áp dụng đến nay, tình hình tắc nghẽn tại Seoul giảm đáng kể, tốc độ trung bình của xe buýt đã tăng 33% - 100% khi di chuyển trong các làn BRT. Tổng số vụ tai nạn xe buýt, số người bị thương trên tất cả các tuyến đều giảm 1/3.
Kinh nghiệm thực hiện
Tuy nhiên, thành công không phải tự nhiên mà có. Seoul phát triển tốt BRT và trở thành hình mẫu để nhiều nước noi theo vì khi xác định thực hiện BRT, chính quyền thành phố không chỉ đơn giản vạch làn đường giữa dành cho ô tô mà thực hiện cải tổ hệ thống một cách sâu sắc, toàn diện. Các biện pháp cụ thể như: Gỡ rối và hoạch định lại các tuyến buýt, cải thiện cơ cấu vé (cho phép chuyển xe miễn phí từ xe buýt này sang xe buýt khác); cải tổ cơ chế quản lý xe buýt bằng phương pháp kết hợp công - tư; xây dựng trung tâm vận tải công cộng; áp dụng hệ thống làn đường độc quyền dành riêng cho xe buýt (tổng số km đường dành riêng xe buýt BRT hiện nay là 157km).
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng áp dụng chế độ ưu tiên tín hiệu vận tải (TSP) tạo điều kiện cho xe buýt quay đầu, giảm thời gian chờ đợi khi đi qua các ngã tư; Đặc biệt, là áp dụng công nghệ thông tin và hệ thống chi trả thông minh vào hệ thống xe buýt.
Không chỉ vậy, chính quyền thành phố cũng chú trọng những yếu tố ảnh hưởng tới lựa chọn của người dân, đó là chất lượng xe buýt. Seoul đưa vào sử dụng hàng trăm xe buýt mới chạy bằng khí nén tự nhiên, có sàn thấp để tiện lên xuống. Xe buýt có điều hòa nhiệt độ và luôn được vệ sinh sạch đẹp.
Đặc biệt, ngay từ tháng 1/2004, thị trưởng và các nhân viên ra sức thực hiện chiến dịch cộng đồng nhằm tác động và làm thay đổi tư duy sử dụng xe buýt của người dân Seoul. Phần lớn các chiến dịch truyền thông đều nhằm giải thích rõ cho người dân hiểu về tính cấp bách và những lợi ích của phương án BRT. Sau đó, đến tháng 7/2004, chính quyền thành phố mới bắt đầu thực hiện. Khi đã hiểu rõ tình hình giao thông ngày càng tồi tệ, người dân bắt đầu thay đổi nhận thức và ủng hộ phương tiện công cộng. Theo ước tính mới nhất, số lượng hành khách trung bình xe buýt chuyên chở mỗi ngày là 4.599 triệu khách, tăng 17% so với 3.922 triệu khách vào năm 2003 trước khi cải tổ.
Nguồn: Báo giao thông