LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa sau khi cùng Thứ trưởng Nguyễn Văn Công; Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT QG Khuất Việt Hùng cùng đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra hiện trường Dự án đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và làm việc với tỉnh Ninh Bình, chiều nay (14/1/2017)
Tại tỉnh Ninh Bình, tiếp Đoàn công tác có Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Thanh; Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến và đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành của địa phương.
Ngay sau khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017, công tác quản lý nhà nước về GTVT và các đề xuất kiến nghị liên quan; các đại biểu của Ninh Bình đã được lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan tham mưu giải đáp, trả lời và định hướng nhiều nhiệm vụ của địa phương.
Đánh giá về công tác đảm bảo TTATGT tại địa phương, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT QG Khuất Việt Hùng cho biết, Ninh Bình là một trong số ít các địa phương hơn 10 năm qua, công tác đảm bảo TTATGT luôn ở mức thấp, cả 3 chỉ số liên tục giảm; số người chết rất ít.
“Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Ninh Bình”, ông Khuất Việt Hùng nói.
Cũng tại buổi làm việc với địa phương, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT QG Khuất Việt Hùng đề nghị lãnh đạo địa phương tập trung vào đảm bảo TT ATGT tại khu vực nông thôn, nhất là dịp Tết, lễ hội sắp tới.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Uỷ ban ATGT QG cũng đề nghị tỉnh Ninh Bình quan tâm hơn đến ATGT đường thuỷ nội địa; xe hết niên hạn và tuyên truyền xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu tại buổi làm việc nhấn mạnh vào việc Ninh Bình còn “lơ là” trong công tác đảm bảo TTATGT thuỷ nội địa.
Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết trên địa bàn Tỉnh có đến hơn 1000 phương tiện thuỷ nội địa cần đăng kiểm và hơn 430 phương tiện chưa bao giờ đăng kiểm.
“ Ninh Bình có mạng lưới đường thuỷ nội địa rất tốt nhưng chưa đầu tư tương xứng và chưa tận dụng phù hợp hạ tầng hiện có. Thậm chí, Ninh Bình là một số ít địa phương chưa thành lập Cảng vụ đường thuỷ nội địa tại địa phương. Tỉnh cần có giải pháp để khai thác tối đa loại hình vận tải này nhằm giảm tải cho đường bộ, đảm bảo ATGT”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đề nghị.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác Bộ GTVT và tỉnh Ninh Bình đã cùng bàn bạc để giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại của Dự án đường kết nối QL10, QL37B, QL1 với đường Hồ Chí Minh và Dự án đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1.
“Đây là hai dự án hình thành những tuyến kết nối giao thông giữa những tuyến đường trọng điểm, giúp giao thông Ninh Bình và khu vực hình thành mạng lưới giao thông khép kín”, đại diện tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh.
Đối với Dự án đường nối QL10, QL37B, QL1 với đường Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Duy Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, đường Hồ Chí Minh là tuyến huyết mạch từ Bắc vào Nam và ở phía Tây QL1, có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm tải QL1. Tuy nhiên, khu vực các tỉnh phía Đông Đồng bằng Bắc Bộ như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam chưa có đường kết nối theo trục ngang từ đường Hồ Chí Minh ra vùng ven biển. Vì vậy, dự án đường nối này sẽ giúp kết nối các tuyến quốc lộ ở phía Đông, đường bộ ven biển với đường Hồ Chí Minh phía Tây. Tổng chiều dài tuyến đường kết nối khoảng 60km, đi qua các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, trong đó đoạn đi qua Ninh Bình dài nhất (27 km).
Sau khi lắng nghe ý kiến địa phương, doanh nghiệp muốn tham gia dự án và các cơ quan tham mưu của Bộ, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị tỉnh Ninh Bình phối hợp với các tỉnh có văn bản chính thức gửi Bộ để xem xét, quyết định. “Quan điểm của Bộ là ủng hộ những dự án quan trọng, có tác động lớn đến phát triển KTXH và có tính kết nối vùng. Với dự án này, nếu Ninh Bình là chủ đầu tư và ứng vốn làm thì rất thuận”, Bộ trưởng nói.
Với Dự án kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2, tỉnh Ninh Bình đang làm chủ đầu tư, Doanh nghiệp Xuân Trường đang thi công. Ninh Bình đề xuất nâng Dự án lên thành cao tốc để kết nối đồng bộ, tránh lãng phí.
Bộ trưởng đồng tình với đề xuất này và giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Vụ Kế hoạch đầu tư vào đánh giá, kiểm tra lại tuyến. Dự án này, tỉnh đang làm chủ đầu tư, nên đề nghị tỉnh có văn bản gửi Bộ GTVT để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa về việc phải trả lời giải đáp rõ ràng các kiến nghị của địa phương theo đúng trách nhiệm của Bộ GTVT và các quy định của Nhà nước, Chính phủ, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm khẳng định, về kiến nghị Ninh Bình muốn bổ sung QL21B đoạn qua tỉnh Ninh Bình và Nam Định vào quy hoạch hệ thống quốc lộ; Bộ GTVT đã trình, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành để hoàn chỉnh đề án bổ sung QL21B kéo dài vào quy hoạch và hiện Bộ GTVT đang chờ thêm ý kiến Bộ Quốc phòng.
Ông Nguyễn Duy Lâm cũng thông báo với lãnh đạo Tỉnh Ninh Bình, đối với Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến QL38B đoạn qua tỉnh Ninh Bình, có cầu Bến Mới vượt sông Đáy thuộc Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo cầu yếu, vốn vay EDCF, Dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đang thẩm định để phê duyệt dự án đầu tư, ký Hiệp định vay vốn để triển khai.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Bộ GTVT đã đồng ý thỏa thuận quy hoạch đấu nối Khu công nghiệp Gián Khẩu vào QL1, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ công trình lập hồ sơ thiết kế nút giao và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
“Địa phương đã đề xuất ủy thác quản lý tuyến QL10 đoạn qua Ninh Bình nhưng hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đoạn tuyến này vẫn đang trong thời gian thực hiện Hợp đồng của các gói thầu bảo dưỡng năm 2015. Trong đó, cầu Non Nước được đưa vào dạng theo dõi đặc biệt vì một số vấn đề kỹ thuật, Bộ sẽ tiến hành ủy thác vào thời điểm thích hợp”, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao công tác đảm bảo TTATGT; xây dựng giao thông nông thôn của Ninh Bình trong thời gian qua. Tuy nhiên, đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch uỷ ban ATGT QG Khuất Việt Hùng và Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Bộ trưởng đề nghị Ninh Bình cần tập trung siết chặt quản lý phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình, “phạt nguội” từ “gốc” là chủ xe thay vì chỉ phạt tài xế. Là địa bàn trung gian trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc – Nam, Ninh Bình cần chú trọng công tác xử lý xe quá tải.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá đường sắt của Ninh Bình đã được khai thác và đầu tư tương đối tốt. “Ninh Bình đang có một ga đường sắt rất đẹp, hoạt động tương đối quy củ; đoạn đường sắt từ Ninh Bình vào Thanh Hoá cũng được khai thác tương đối tốt. Do vậy, Ninh Bình cần phối hợp thêm với các cơ quan của Bộ, nhất là Cục và TCT Đường sắt để phát huy loại hình vận tải này tốt hơn nhằm giảm tải cho đường bộ và đảm bảo TTATGT theo đúng định hướng của Bộ GTVT trong nhiệm kỳ này”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị.
Sưu tầm