LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Tăng trưởng tích cực của nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông lâm thủy sản cũng như chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu là những điểm đáng chú ý.
Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2016 lần đầu tiên được Bộ Công Thương công bố ngày 29/3 cho thấy, năm 2016, mặc dù thị trường thế giới có nhiều bất ổn, song Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, tăng 9% so với năm 2015, đạt 176,6 tỷ USD.
Tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện cán cân thanh toán, góp phần tăng trưởng GDP, tạo việc làm và thể hiện sự phục hồi của sản xuất trong nước. Đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu đã giúp đảo ngược cán cân thương mại, từ mức thâm hụt năm 2015 sang thặng dư năm 2016, với giá trị xuất siêu khoảng 2,52 tỷ USD.
Để làm nên những kết quả tích cực này, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2016 ghi nhận 3 yếu tố cơ bản, đó là sự tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến (chiếm tỷ trọng trên 80% kim ngạch xuất khẩu với giá trị 142 tỷ USD) đã nâng xuất khẩu chung của cả nước tăng cao. Cùng với đó là sự đóng góp tích cực của nhóm hàng nông lâm thủy sản và đặc biệt là sự thay đổi, chuyển dịch tích cực trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2016, nhiều mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu có mức tăng trưởng dương, trong đó, tăng trưởng cao nhất là mặt hàng rau quả (tăng 33,6% so với năm 2015).
Đặc biệt, trong năm vừa qua đã có thêm nhiều loại trái cây của Việt Nam thâm nhập được vào các thị trường mới có yêu cầu chất lượng cao như các sản phẩm vải, xoài, nhãn, thanh long, chôm chôm… được các thị trường như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand…ưa chuộng.
“Chúng ta ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu 9% trong năm vừa qua có sự phục hồi và đóng góp tích cực của nhóm hàng nông lâm thủy sản. Trong bối cảnh thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn bất thường, nhưng 6 tháng cuối năm 2016, xuất nhập khẩu đã có sự phục hồi và tăng trưởng dương, đạt được tổng kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay. Đây là chính là nỗ lực của Việt Nam, đặc biệt là sự nỗ lực của các doanh nghiệp và bà con nông dân”, ông Khánh cho biết.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, nhìn vào tổng quan xuất nhập khẩu năm qua cũng cho thấy sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Điều này phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, đã có sự thay đổi theo hướng tích cực của công nghiệp chế biến tăng cao và tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản giảm sâu. Nếu trong năm 2011, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trong các ngành công nghiệp chế biến chỉ chiếm khoảng 61% nhưng đến nay nhóm hàng này đã tăng lên hơn 80%. Tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có những thời điểm chiếm trên 20% nhưng nay chỉ còn khoảng 2%.
Đáng chú ý, theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay Việt Nam đã có 24 mặt hàng với 28 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trị giá trên 1 tỷ USD.
Đánh giá cao Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2016 được thực hiện khá công phu, với những thông tin chính xác, có hệ thống về hoạt động xuất nhập khẩu năm 2016, nhưng ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, Báo cáo vẫn chưa đánh giá được con số xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, đặc biệt là việc xuất nhập khẩu lậu ở một số ngành hàng có tính nhạy cảm.
Ông Vũ Đức Giang cho rằng, từ thực tế hoạt động xuất nhập khẩu ngành dệt may thời gian qua, Bộ Công Thương nên tập trung nguồn lực cho công tác xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu Việt Nam ra thế giới, từ đó tạo được điểm nhấn cũng như có tầm nhìn dài hạn về vấn đề này.
“Bộ Công Thương nên sớm có Quy hoạch chiến lược ngành càng sớm càng tốt, trên cơ sở đó để làm rõ chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Bộ cần xác định việc phát triển ngành phải đi đôi với quản lý ngành một cách có hệ thống, tránh tình trạng địa phương phá vỡ chiến lược ngành”, ông Giang đề xuất.
Là một trong những doanh nghiệp có xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, bà Nguyễn Thị Châu Giang – Tổng công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội cho rằng, vấn đề cốt lõi để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vẫn là tạo cơ chế. Làm sao để chính sách phải đi vào thực tế, trong đó quan trọng nhất vẫn là hỗ trợ tìm kiếm đối tác, bạn hàng.
“Đến giờ phút này, Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi cho xuất khẩu bia, chỉ mong muốn có thêm nhiều buổi hội thảo để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài được trao đổi nhiều hơn, có nhiều kênh để họ biết đến nhau.. Mặc dù trên báo, mạng thông tin của Bộ Công Thương đã có giới thiệu về các doanh nghiệp, thị trường nhưng nếu các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, trao đổi trực tiếp chắc chắn sẽ hiệu quả hơn”, bà Giang nói.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ tiếp tục xuất bản và công bố Báo cáo thường niên về hoạt động xuất nhập khẩu. Báo cáo thường niên ngoài việc tổng hợp một cách có hệ thống tình hình xuất nhập khẩu, còn tập hợp các chính sách của các thị trường lớn như EU, Nhật, Mỹ…/.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN