LIÊN HỆ MUA BÁN XE
Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments
Chiều 19/5, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị sơ kết hiệu quả triển khai Dịch vụ công trực tuyến. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo tình hình xây dựng và triển khai Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải, ông Phạm Duy Ninh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực GTVT là 551 TTHC, trong đó Bộ GTVT đang cung cấp 234 Dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4. Tổng số hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến là 270.325 hồ sơ, trong đó hoàn thành giải quyết (trả kết quả) là 213.432 hồ sơ, đạt tỷ lệ 78,9%. Số hồ sơ thực hiện trực tuyến năm 2015 là 19.028 hồ sơ; năm 2016 là 142.016 hồ sơ; 5 tháng đầu năm 2017 là 108.736 hồ sơ. Hiện tại, trong số các đơn vị triển khai DVC của Bộ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam là hai đơn vị hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 theo yêu cầu của Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Theo ông Lê Thanh Tùng- Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, Trung tâm CNTT được Bộ giao chủ trì xây dựng và quản lý, vận hành Dự án thí điểm cơ chế hải quan một cửa quốc gia của Bộ. Tính đến ngày 15/5/2017, đã có 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được chính thức vận hành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong đó đã hoàn thành giải quyết 81.141/92.401 hồ sơ trong lĩnh vực Hàng hải, 26.452/27.882 hồ sơ trong lĩnh vực Đăng kiểm. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia), tính đến tháng 11/2016 số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia của Bộ GTVT là 4610 doanh nghiệp, chiếm 53% số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia; số lượng hồ sơ của Bộ GTVT giải quyết trên Cổng thông tin một cửa quốc gia chiếm 47,63% tổng số hồ sơ.
Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư số 54/2015/TT-BGTVT về quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam, Trung tâm CNTT đã chủ trì xây dựng 04 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam, triển khai tại 25/25 cảng vụ Hàng hải từ ngày 01/3/2016. Tính đến ngày 15/5/2017, hệ thống đã nhận 11.769 hồ sơ của thủ tục cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đồng thời hoàn thành giải quyết 10.696 hồ sơ (đạt tỷ lệ 90,08%).
Ngoài ra, đối với các DVC trực tuyến khác như dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô, tính đến ngày 15/5/2017, đã có 38/63 Sở GTVT triển khai sử dụng hệ thống và tiếp nhận giải quyết 13.089 hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến; các dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe, cấp giấy phép lái xe quốc tế được Tổng cục ĐBVN triển khai mức độ 4 tại 63/63 Sở GTVT từ ngày 01/6/2016 đến nay số hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến đối với DVC mức độ 4 là 6.126 hồ sơ.
Với các kết quả đã đạt được, Hội Tin học Việt Nam, trong báo cáo đánh giá chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (chỉ số ICT Index - công bố tháng 3/2017), đã đánh giá Bộ GTVT xếp số 1 về chỉ số DVC trực tuyến, còn Bộ Thông tin và Truyền thông, tại báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước năm 2016, đánh giá Bộ GTVT xếp hạng 2 về số lượng DVC trực tuyến.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua về xây dựng, triển khai các DVC trực tuyến và nâng cao hơn nữa hiệu quả của hệ thống DVC trực tuyến của Bộ GTVT, Trung tâm CNTT kiến nghị, đề xuất Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo đến các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh triển khai sử dụng các DVC trực tuyến trong giải quyết TTHC; chỉ đạo các đơn vị xây dựng và ban hành các quy trình ISO điện tử; bố trí kinh phí duy trì vận hành hệ thống DVC trực tuyến, kinh phí nâng cấp hệ thống phần mềm khi có các thủ tục hành chính thay đổi.
Tại Hội nghị, đại diện các Tổng cục, Cục, Sở GTVT đã trao đổi các kinh nghiệm trong triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cũng như các thuận lợi khó khăn trong quá trình triển khai, đồng thời khẳng định sẽ quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đại diện một số doanh nghiệp, đơn vị trực tiếp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cũng đã có phát biểu đánh giá cao hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đánh giá cao báo cáo của Trung tâm CNTT trong xem xét, đánh giá nhiều khía cạnh quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến thời gian qua. Thứ trưởng đề nghị để tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới các cơ quan cung cấp dịch vụ công của Bộ phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền rộng rãi tiện ích của dịch vụ tới người dân, đồng thời nghiên cứu chỉnh sửa hệ thống phần mềm để sao cho ngoài việc dễ sử dụng hơn nữa còn phải có giao diện bắt mắt, sử dụng được trên mọi thiết bị có kết nối internet như điện thoại thông minh, máy tính bảng..., tập trung xây dựng các thủ tục người dân có nhu cầu lớn có lượng hồ sơ hàng năm nhiều. Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế phối hợp với Trung tâm CNTT, các Tổng cục, Cục rà soát tính pháp lý của thủ tục, dịch vụ công, thống nhất các mẫu biểu của thủ tục giấy và thủ tục điện tử, kịp thời cập nhật hệ thống phần mềm khi các thủ tục thay đổi.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đề nghị Trung tâm CNTT xây dựng lộ trình để làm sao các Tổng cục, Cục đến năm 2018 cơ bản hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến và năm 2019 toàn bộ các dịch vụ công của Bộ là dịch vụ công trực tuyến.
Thứ trưởng mong muốn các đơn vị các đơn vị tích cực hơn nữa để các dịch vụ công trực tuyến của Bộ có tính thực tiễn, có hiệu quả cao, đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp và quan trọng là người dân và doanh nghiệp cảm thấy có nhu cầu thực sự trong sử dụng các dịch vụ trực tuyến của Bộ GTVT.
Theo Bộ giao thông