LIÊN HỆ MUA BÁN XE

0966.809.696

hien thi
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa làm việc tại Hà Nam
16 Jan
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa làm việc tại Hà Nam

Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments

Sáng thứ 7 (14/1/2017), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng Đoàn công tác của Bộ GTVT có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công;Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc Gia Khuất Việt Hùng và đông đảo lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam về công tác xây dựng hạ tầng giao thông, đảm bảo TTATGT tại địa phương. 

Cùng dự buổi làm việc, về phía tỉnh Hà Nam có Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đình Khang; Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Phạm Sỹ Lợi; các đồng chí lãnh đạo các Sở, ban ngành; đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến cho biết, mạng lưới giao thông của Hà Nam hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương, không bị ùn tắc nghiêm trọng. Cụ thể, Hà Nam có 1 tuyến đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình dài 28,9km được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2011 đã góp phần giảm tải cho tuyến QL1, giảm ùn tắc giao thông và TNGT trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng có 06 đoạn tuyến quốc lộ (QL1, QL21, QL21B, QL37B, QL38, QL38B) chạy qua với tổng chiều dài 218,8Km.

“Hiện đang khai thác 51 tuyến đi 18 tỉnh thành phố với 99 phương tiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Phần lớn các tuyến đường đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng trở lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu khai thác, còn lại đang có dự án nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng”, đại diện lãnh đạo Hà Nam khẳng định.
Về công tác đảm bảo ATGT, năm 2016 trên địa bản tỉnh xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông, giảm 08 vụ so với cùng kỳ (giảm 5,1%), số người chết 87 người, giảm 5 người so với cùng kỳ (giảm 5,43%); số người bị thương 88 người, giảm 05 người (giảm 5,37%) so với cùng kỳ. “Tỉnh cũng đã thực hiện quyết liệt các giải pháp để kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí, Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến cho biết.

Tại buổi làm việc,  đại diện các cơ quan tham mưu của Bộ đã cùng lắng nghe, bàn bạc và giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng hạ tầng giao thông cũng như đảm bảo TTATGT của các sở, ban, ngành và doanh nghiệp thuộc tỉnh Hà Nam.

Cụ thể, đại diện Hà Nam đề nghị xây mới cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường ĐT498 trong dự án tuyến tránh QL1, ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, hạng mục xây dựng cầu vượt đường sắt Bắc - Nam nằm ngoài phạm vi dự án BOT tuyến tránh QL1 đoạn qua TP. Phủ Lý nên không thể đầu tư. Còn dự án ĐT498 là đường địa phương nên đề nghị tỉnh cân đối nguồn lực để đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng đề xuất xây dựng nút giao liên thông (tại nút giao Phú Thứ) để kết nối khu Trung tâm hành chính của tỉnh, khu Đại học Nam Cao, khu Liên hợp thể thao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ phó Vụ KHĐT cho khẳng định, trên địa phận tỉnh Hà Nam có 02 nút giao liên thông Liêm Tuyền, Vực Vòng, nút giao Phú Thứ là nút giao trực thông. Hiện nay, cách nút giao Phú Thứ về phía Nam khoảng 4km có nút giao liên thông Liêm Tuyền và về phía Bắc 7km có nút giao Vực Vòng. Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang quyết toán, thời gian thu phí 24 năm, nên không còn kinh phí để đầu tư hạng mục phát sinh.
Về dự án từ Phú Thứ đến đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT, theo ông Nguyễn Danh Huy, hiện dự án kết nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang được đầu tư để kết nối tại nút giao Liêm Tuyền. Do đó, lưu lượng xe trên đoạn từ Phú Thứ đến đường nối 2 cao tốc thấp (bị phân lưu) đồng thời đoạn tuyến quá ngắn (7,5km), vị trí đặt trạm không đảm bảo khoảng cách yêu cầu tối thiểu 70km với trạm liền kề. Vì vậy, phương án đầu tư như một dự án BOT độc lập không khả thi. Bổ sung vào dự án BOT cầu Thái Hà, phương án tài chính cũng không khả thi.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng đề nghị bố trí vốn hoàn trả 136 tỷ đồng Tỉnh đã đầu tư đoạn từ Km74+890/QL38 - Km4+624/ĐT.492 từ nguồn vốn dự án tuyến tránh QL1; Bố trí vốn còn thiếu (khoảng 132 tỷ) để hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp nút giao giữa QL38 với QL1A và đường sắt Bắc Nam - Nút giao Đồng Văn…

Cũng tại buổi làm việc, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị thời gian tới, Hà Nam tiếp tục tăng cường chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo ATGT; chú trọng công tác quản lý, xử lý xe hết niên hạn, kiểm soát tải trọng xe.

“Tỉnh cũng nên xem xét việc quy định các huyện phải chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND tỉnh, là Trưởng ban ATGT tỉnh nếu các mỏ trên địa bàn để xảy ra hiện tượng xe quá tải; có thể đóng cửa mỏ vật liệu để “làm gương” nếu vi phạm cam kết nhiều lần, có thế mớ đảm bảo nghiêm các quy định và kiềm chế lượng xe quá tải trên địa bàn, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông”, ông Khuất Việt Hùng đề nghị.

Liên quan thêm về công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và kiểm soát xe quá tải, đảm bảo TTATGT, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện đề nghị Hà Nam tăng cường kiểm soát tải trọng xe, nhất là tại các cảng, mỏ, đầu mối.

“Đặc biệt, Hà Nam vẫn chưa xử lý xe khách vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình. Hệ thống theo dõi của Tổng cục cho thấy tỷ lệ các xe vi phạm tốc độ ở Hà Nam tăng trong khi các tỉnh đã giảm”, ông Nguyễn Văn Huyện nói.

Tại buổi làm việc, Bộ GTVT đồng thuận với Hà Nam trong việc tìm nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ dự án đường nối 2 cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhìn nhận, trước thực trạng nguồn vốn ngân sách khó khăn, vốn Trái phiếu còn hạn hẹp, cần lựa chọn đầu tư dự án thực sự hiệu quả như dự án này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chúc mừng và chia sẻ với những thành tựu mà Hà Nam đã thu được trong các nhiệm kỳ vừa qua.

Về lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, việc phát triển hạ tầng giao thông là đặc biệt quan trọng đối với mỗi địa phương. Trong những năm vừa qua, việc đầu tư về giao thông mới tập trung vào đường bộ, do vậy, Bộ GTVT đang điều chỉnh cho hài hoà các phương thức vận tải như đường sắt, đường thuỷ nội địa,  hàng không…tập trung tăng tính kết nối phương tiện, phương thức vận tải và liên kết vùng miền, đảm bảo cân đối nhu cầu, khả năng phát triển, những điểm nghẽn, nút giao thông quá tải… để điều tiết đầu tư cho hợp lý.

“Nhu cầu là vậy nhưng trong nhiệm kỳ này, nguồn vốn trung hạn, nói riêng, nguồn vốn ngân sách thông qua Bộ GTVT cho  các lĩnh vực giao thông đối với các địa phương hạn hẹp nên phải hạn chế đầu tư, tập trung vào các công trình đặc biệt cấp bách”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.


Đối với riêng Hà Nam, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng khẳng định dự án kết nối hai đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Hà Nội – Hải Phòng hết sức quan trọng và cần thiết, không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương mà còn có tác dụng kết nối, phát triển kinh tế vùng. Hiện dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn của địa phương. Bộ GTVT đã báo báo Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020  cho Bộ GTVT ngoài nguồn vốn đã thông báo cùng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 để hoàn trả nguồn vốn đã ứng của các địa phương và tiếp tục đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 của dự án theo phương án xã hội hoá.

“Bộ GTVT sẽ sát cánh cùng địa phương tháo gỡ mọi vướng mắc, hỗ trợ để đẩy sớm hoàn thành dự án”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

“Quan điểm Bộ GTVT là thúc đẩy sớm hoàn thành Dự án này, khu vực Đồng bằng Bắc bộ rất cần kết nối này để đảm bảo cho các địa phương trong vùng phát triển KT-XH mạnh mẽ. Tuy nhiên địa phương và các doanh nghiệp lưu ý, tiến độ Dự án này phải hoàn thành cùng với cầu, để khi hoàn thành có thể khai thác đồng bộ, đảm bảo hiệu quả kinh tế”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói them.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng đề nghị địa phương trong quá trình làm quy hoạch phải quan tâm đến trục đường cao tốc, đã làm và đang được mở rộng, do đó lưu ý giải phóng mặt bằng nhanh; quy hoạch phải bám vào các trục này cho hợp lý, khoa học, tận dụng hạ tầng đã có, tránh lãng phí.

“Hà Nam đã giảm được cả 3 chỉ tiêu về ATGT, tuy nhiên, con số này chưa cao và chưa bền vững, do đó địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng để làm tốt công tác này hơn nữa, trong đó có việc tập trung hơn nữa vào công tác quản lý, quy hoạch các đường ngang qua đường sắt tại địa phương cho hợp lý; quản lý tốt xe quá tải tại các vùng mỏ vật liệu…”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị
Sưu tầm

Bình luận của bạn